05:16 24/05/2012

8 tác giả đoạt giải Nobel tới Việt Nam

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận với với Hoàng tử Alfred của Công quốc Lichtenstein ngày 24/5, tại Hà Nội.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận với với Hoàng tử Alfred của Công quốc Lichtenstein ngày 24/5, tại Hà Nội.

 

Đây là cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 21/5 tới 31/5 của Hoàng tử Alfred - Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Quỹ Hòa bình Quốc tế (IPF), nhằm mục đích phát động chuỗi sự kiện lần thứ tư tại ASEAN “Nhịp cầu đối thoại hướng tới một nền văn hóa hòa bình”, dự kiến được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2012-2013.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tiếp Hoàng tử Alfred , Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Quỹ Hoà bình Quốc tế. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN

 

IPF là tổ chức có trụ sở tại Vienna (Áo) được thành lập từ năm 1993. IPF chuyên tổ chức các buổi nói chuyện tại các quốc gia với sự tham dự của các nhân vật đoạt giải Nobel, các chính khách lớn, các ngôi sao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu.

 

Dự kiến, trong chuỗi hoạt động tại Việt Nam sẽ có 8 nhà khoa học hoặc chính khách đoạt giải Nobel tới để giảng bài, tham gia hội thảo và đối thoại với các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên của Việt Nam.

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận hoan nghênh Hoàng tử Alfred - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn IPF tới Việt Nam phát động chuỗi sự kiện Bridges. Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đã tích cực làm việc và về cơ bản đã hoàn tất đúng kế hoạch các khâu chuẩn bị cho Chuỗi sự kiện Bridges 4.

 

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có quyết định phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Những đổi mới này là cần thiết đối với một đất nước có nền văn hóa đậm chất Á Đông, thiên về nghiên cứu sách vở như Việt Nam. Việc đổi mới này có phần quan trọng là thúc đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu khoa học, phát huy tính sáng tạo ở người học.

 

Tuy còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... nhưng giáo dục Việt Nam cũng đã từng bước có những thành tựu nhất định. Với việc các nhà khoa học nổi tiếng tới giảng bài, đối thoại cùng sinh Việt Nam sẽ góp phần tích cực thúc đẩy việc giới thiệu hình ảnh của giáo dục Việt Nam ra thế giới cũng như tạo cơ hội để giáo dục Việt Nam tiếp cận với những tri thức khoa học tiến bộ nhất của thế giới.

 

Hoàng tử Alfred rất vui mừng trước sự quan tâm của Việt Nam đối với giáo dục, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, những quan điểm giáo dục mà Công quốc Lichtenstein đang triển khai hiệu quả. Hoàng tử cho biết quan điểm đầu tư chú trọng khả năng học sinh được quan tâm, khi các nhà lãnh đạo giáo dục tập trung theo hướng này sẽ giúp mỗi cá nhân thể hiện rõ nhất cái tôi của mình, phát triển hết năng lực bản thân.

 

Với Chuỗi sự kiện Bridges 4 tại Việt Nam, Quỹ Hòa Quốc tế (IPF) hy vọng sẽ giúp tạo cầu nối giữa những người đoạt giải Nobel với các trường đại học hoặc các cơ sở đào tạo của Việt Nam nhằm thiết lập quan hệ lâu dài có thể đưa đến các chương trình nghiên cứu chung hoặc thúc đẩy các hoạt động hợp tác khoa học, công nghệ và giáo dục trên cơ sở hòa bình và phát triển. Đồng thời, góp phần khích lệ công chúng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam sống hướng tới văn hóa hòa bình, không bạo lực.

 

Trước khi có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Hoàng tử Alfred đã làm việc với thành viên Ban Tổ chức Bridges 4 của Việt Nam để cùng trao đổi, bàn bạc một số vấn đề liên quan tới công tác chuẩn bị cho Chuỗi sự kiện Bridges 4 tại Việt Nam.

 

Ngọc Anh