09:11 02/09/2022

77 năm Quốc khánh: Đà Nẵng - những động lực phát triển mới

Hòa chung không khí tươi vui, phấn khởi trên cả nước, thành phố Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa đón chào Quốc khánh.

Dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố lại càng phấn khởi, hy vọng hơn bởi những thành tích khả quan trong phục hồi và phát triển kinh tế 8 tháng đầu năm 2022. Sau dịch bệnh, Đà Nẵng đang tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế của một điểm đến du lịch hàng đầu và một môi trường đầu tư hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Cầu Rồng bình yên trong buổi sáng Ngày Quốc khánh 2/9.

Du lịch phục hồi ấn tượng

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, sau 8 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của thành phố ước đạt 11.859 tỷ đồng (tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số lượng khách lưu trú 8 tháng ước đạt đạt gần 2,4 triệu lượt (tăng 125,7% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế đạt 221 nghìn lượt (tăng 144,9% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch trong 8 tháng ước đạt 1.215 tỷ đồng (tăng 483,9% so với cùng kỳ năm trước). Sau dịch COVID-19, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật nhằm thu hút, quảng bá du lịch nên lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng dự kiến trong dịp lễ Quốc khánh lần này, thành phố sẽ đón tiếp tổng số du khách tăng gần 40% so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), với khoảng 60.300 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng bằng đường hàng không. Trong dịp lễ, thành phố có nhiều sự kiện, hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng năm 2022; giải đua thuyền Sailing vô địch trẻ quốc gia và giải Sup các câu lạc bộ toàn quốc năm 2022; chương trình âm nhạc đường phố, ảo thuật đường phố, vũ điệu Sông Hàn, vũ hội đường phố, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; chương trình kỷ niệm 77 năm Quốc khánh...

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, để cung cấp thêm điểm tham quan du lịch mới cho du khách, quận Sơn Trà đã khai trương tuyến đường bích họa Mân Thái (khu Tân An, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) với chủ đề “Câu chuyện làng Chài”. Đường tranh bích họa với tổng diện tích hơn 1.200 m2, tổng trị giá 600 triệu đồng, kết nối khu đền thờ Lăng Ông và các kiệt, hẻm liền kề sẽ góp phần bảo tồn làng biển xưa, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Tham quan làng bích họa Mân Thái, bà Nông Kim Long (70 tuổi, du khách đến từ Lạng Sơn) cho biết: “Tôi đã đi Đà Nẵng nhiều lần nhưng rất may mắn vì lần này lại trùng với dịp khai trương đường bích họa Mân Thái. Những bức tranh rất đẹp, sinh động, giúp tôi hiểu thêm về đời sống, văn hóa của người dân biển từ xưa đến nay. Sau thời gian dịch bệnh, khi trở lại, tôi thấy thành phố vẫn giữ được sự mến khách, văn minh, sạch đẹp rất đặc trưng của Đà Nẵng.”

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chia sẻ: qua đường tranh bích họa, lãnh đạo quận mong muốn tạo cho bà con nhân dân cơ hội về việc làm, phát triển kinh tế gia đình thông qua các dịch vụ phục vụ du khách. Những bức tường nhuốm màu thời gian trước kia nay đã được khoác lên tấm áo mới, mỗi người dân địa phương sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch thân thiện, mến khách. Hy vọng trong thời gian tới, nhân dân sẽ cùng chung tay với chính quyền để giữ gìn đường bích họa luôn sạch đẹp, trật tự, đảm bảo mỹ quan để duy trì lợi ích cộng đồng từ công trình này.

Tiềm năng và những động lực phát triển mới

Chú thích ảnh
Không khí Ngày Quốc khánh rộn ràng trong từng ngõ, hẻm của thành phố Đà Nẵng. 

Đối với người dân quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng), niềm vui càng tăng lên khi năm nay cũng là kỷ niệm 25 năm quận Liên Chiểu được thành lập. Được hình thành trên cơ sở tách 3 xã nông nghiệp của huyện Hòa Vang từ năm 1997, đến nay Liên Chiểu đã phát triển nền kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp, diện mạo đô thị “lột xác” theo hướng hiện đại, đời sống người dân không ngừng tăng cao.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/6/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định “Xây dựng quận Liên Chiểu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh; điểm đến du lịch hấp dẫn và chất lượng cao; trung tâm logistics; đô thị thông minh với dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế chất lượng cao…”

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thành phố sẽ sớm xúc tiến Quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển Cảng biển Liên Chiểu, Cụm logistics hàng hải tập trung tại phía Bắc Vịnh Đà Nẵng, Ga hàng hóa Kim Liên và Khu đô thị cảng biển, kết nối với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đường sắt Bắc - Nam và khu đô thị phía Nam sông Cu Đê. Đồng thời, Liên Chiểu sẽ xây dựng Chương trình phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào sử dụng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Khu du lịch Làng Vân, dự án Mikazuki Hotel & Spa Resort và thúc đẩy hình thành chợ đêm và tuyến phố đi bộ kiểu Nhật Bản…

Cuối tháng 6 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022, thu hút sự tham gia của gần 600 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào 7 dự án động lực, trọng điểm: Cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí; Không gian Sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm thương mại, Bệnh viện, Trường học, Viện Dưỡng lão quốc tế…

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Hiện nay, thành phố đang kỳ vọng mời gọi đầu tư các dự án động lực, trọng điểm như: Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp mới… Đây là một định hướng rất đúng đắn, nhưng để các dự án trọng điểm có thể đi vào hoạt động, phát triển tốt và góp phần thay đổi diện mạo thành phố trong tương lai thì đầu tiên cần phải kêu gọi đầu tư thành công. Ông rất hy vọng vào dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu vì đây sẽ trở thành điểm cuối trên Hành lang kinh tế Đông – Tây II, do vậy khi triển khai, không những hấp dẫn về kêu gọi đầu tư mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố đang chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư. Trong đó, thành phố sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Các cấp, các ngành nỗ lực đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như đường vành đai phía Tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu... Đồng thời, chính quyền thành phố đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả, rút ngắn quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư và quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

Thông báo số 220/TB-VCP ngày 1/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nêu rõ: Thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để phát huy tiềm năng sẵn có và tạo ra động lực mới, cơ hội mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Liên quan đến bến cảng Liên Chiểu, Thủ tướng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành phần các hạng mục: kè chắn sóng và đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu và vũng quay tàu, đường giao thông sau cảng kết nối đồng bộ với đường Nam hầm Hải Vân. Đồng thời, thành phố kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các phân khu chức năng của khu bến cảng để khai thác đồng bộ, hiệu quả bến cảng Liên Chiểu.

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)