01:11 06/01/2011

65 năm cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam đầu tiên: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”

Cách đây 65 năm, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946).

Cách đây 65 năm, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946).


Tin Tức Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Lê Mậu Hãn về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới quyền dân tộc của các nước là bất khả xâm phạm.


Đó là “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tuyên ngôn độc lập là một văn bản pháp lý quan trọng khẳng định độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam là quyền thiêng liêng không ai có quyền xâm phạm! Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã được mở ra - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu

Khi đó, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ quan hành chính cao nhất, giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân đội, kinh tế, văn hóa, xã hội.


Ngày bầu Quốc hội là để cử ra một chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến. Việc quy định cho Việt Nam một hiến pháp, thành lập chính phủ chính thức là những nhiệm vụ hàng đầu lúc bấy giờ của việc định chế nhà nước pháp quyền dân tộc, dân chủ của toàn dân tộc.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I- Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, dưới chế độ phong kiến và thực dân, nước Việt Nam không có Hiến pháp; nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ.


Chúng ta cần có một hiến pháp dân chủ. Vì vậy, Người đề nghị Chính phủ tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu... Đề nghị đó có giá trị lịch sử như một Tuyên bố lập hiến.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 14/SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có toàn quyền quyết định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Một Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người cũng được thành lập theo Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 và Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 quy định Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu. Đây là những sắc lệnh đầu tiên về xây dựng quyền làm chủ của mọi công dân Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước qua việc bầu Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.


Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền đứng ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.


Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Quốc hội Lập hiến của nước Việt Nam diễn ra trong cả nước; các vùng có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên đã diễn ra không kém phần quyết liệt, thậm chí có nơi đã đổ máu để thực thi quyền dân chủ của mọi công dân Việt Nam.


Kết quả ở 71 tỉnh, thành trong cả nước có 89% tổng số cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Số người ra ứng cử khá đông, nhân dân đã tự do chọn lựa. Riêng ở Hà Nội, nhân dân đã chọn bầu được 6 đại biểu trong số 74 người ra ứng cử.

Quốc hội lập hiến

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2/3/1946 đã bầu được Ban Thường trực Quốc hội do học giả Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tổ chức nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức có cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ do Quốc hội cử ra.


Đó là một nhà nước của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc, có đầy đủ tư cách pháp lý và uy tín để thực thi những nhiệm vụ trọng đại của đất nước là kháng chiến và kiến quốc, bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Bản Dự án Hiến pháp do Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo ngắn gọn, súc tích, song đã nêu được bản chất dân tộc, dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước chung của toàn dân tộc.


Đó là một quốc gia dân tộc thống nhất có cơ quan quyền lực cao nhất là Nghị viện và Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất với quyền hạn tập trung cao nhất vào Chủ tịch nước trong việc điều hành và quản lý quốc gia và quyền lợi và nghĩa vụ công dân v.v..

Ngày 10/11/1946, Bản Dự án Hiến pháp được công bố trên báo Cứu quốc để tất cả nhân dân Việt Nam tham dự vào việc lập Hiến pháp của nhà nước.


Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân trình lên Quốc hội bàn luận. Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết trực thuộc chính phủ có 50 vị gồm các trí thức, nhân sĩ, các bộ trưởng và thứ trưởng cũng đã nghiên cứu và đưa ra một bản Dự án Hiến pháp đệ trình Chính phủ.

Dựa trên bản Dự án Hiến pháp của Chính phủ là chủ yếu, đối chiếu với Bản Dự án Hiến pháp của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và tham khảo các bản hiến pháp của một số nước châu Âu, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo Dự án Hiến pháp mới trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai họp ở Hà Nội từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946.


Quốc hội đã nêu lên những ưu điểm, tính chất tiến bộ của dự án, đóng góp thêm một số điểm cụ thể và cuối cùng đã nhất trí tán thành với bản dự án. Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 240 đại biểu tán thành trên tổng số 242 đại biểu có mặt.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946 đã bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ, công bằng của các giai cấp.


Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước nhảy vọt lịch sử về định chế pháp quyền dân tộc dân chủ Việt Nam, một minh chứng về giá trị sáng tạo và tính thực tiễn của tư tưởng nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc của Hồ Chí Minh.

PGS.TS Lê Mậu Hãn