01:10 18/01/2016

62 tỉ phú tích tụ tài sản bằng 3,5 tỉ người cộng lại

62 tỉ phú thế giới hiện nắm giữ số tài sản ngang bằng với tài sản của 3,5 tỉ người thuộc diện nghèo nhất thế giới, báo cáo của Oxfam cho biết.

Sở hữu 1.760 tỉ USD giá trị tài sản, các tỉ phú này có lượng tiền của bằng với một nửa dân số thế giới cộng lại. Trước đó, năm 2010, phải cần tới 388 tỉ phú thế giới mới đạt tới mức “cân bằng” này. Lượng tài sản tích tụ của 62 tỉ phú này – lượng người ngồi còn chưa kín một chiếc xe buýt 2 tầng, đã tăng thêm 44% chỉ trong vòng 5 năm qua (2010-2015) và hiện tương đương với GDP của Canada. Nó cho thấy bất bình đẳng kinh tế toàn cầu giờ đã đạt tới “ngưỡng cực đoan” mới – báo cáo của Oxfam mô tả. 

Du thuyền xa xỉ của giới nhà giàu ở bến cảng Monaco. Ảnh: Reuters

Trong 62 nhân vật quyền lực này, có tới 53 người là nam giới, nó cũng phần nào phản ánh một thực tế bất bình đẳng giới tính về thu nhập cũng đang ngày một lớn, khi mà phụ nữ là đối tượng có mức thu nhập công việc thấp hơn nam giới trong hầu hết các công việc. Bất bình đẳng này cao hơn ở những xã hội bất công. 

Theo Oxfam, để xử lý khoảng cách chênh lệch giàu nghèo này, lãnh đạo thế giới cần hướng đến việc chi trả cho người lao động mức thu nhập đủ sống và thúc đẩy quyền, bình đẳng của phụ nữ. Lãnh đạo quốc tế cần phải di tới một các tiếp cận toàn cầu để chấm dứt kỉ nguyên của các thiên đường trốn lậu thuế - nơi che giấu, rửa tiền cho lượng tài sản lên tới 7.600 tỉ USD. 

Chia sẻ với tạp chí Newsweek, Gawain Kripke, Giám đốc chính sách của Oxfam nói: “Sau thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái, kinh tế thế giới bắt đầu khôi phục được đà tăng trưởng và ai cũng xem đây là một diễn biến tích cực. Nhưng cái mà chúng ta đang phải chứng kiến là đối tượng thụ hưởng lớn nhất từ việc tăng trưởng này cùng với gia tăng thu nhập này là những người giàu có nhất. Người lao động và dân nghèo không được lợi từ tăng trưởng, vì thế có sự bất ổn sâu sắc với khế ước kinh tế - xã hội mà nhẽ ra ai nỗ lực lao động và tuân thủ quy định thì sẽ có phần thưởng xứng đáng. Giao kèo đó đã vỡ vụn”. 

Số liệu được tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London đưa ra ngay trước khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên ở Davos (Thụy Sĩ). Trước cuộc gặp ở Davos hồi năm ngoái, Oxfam từng cảnh báo 1% người giàu nhất thế giới sẽ nắm giữ số lượng tài sản bằng 99% dân số toàn cầu cộng lại ngay trong năm 2016, nếu không kiểm soát được mức xu thế bất bình đẳng thu nhập ngày một gia tăng. Cảnh báo đó đang dần trở thành hiện thực. Nhiều tỉ phú thế giới giờ đã lượng tài sản lớn hơn GDP của nhiều nước: Bill Gates có tài sản 79,2 tỉ USD, lớn hơn GDP của Belarus và Sri Lanka; trong khi tài phiệt người Mexico Carlos Slim sở hữu khối tài sản 77,1 tỉ USD, vượt GDP của Lebanon và Uruguay. 

Hố ngăn cách ngày một rộng giữa người lao động với tầng lớp lãnh đạo tại các tập đoàn, công ty là nguyên nhân làm cho bất bình đẳng thu nhập, tài sản toàn cầu tăng lên, khi mà “hệ thống kinh tế được vận hành vì lợi ích của các nhóm người quyền lực”, báo cáo của Oxfam nhận định. Từ năm 2009 đến nay, lương của Giám đốc điều hành (CEO) tại nhiều tập đoàn của Mỹ đã tăng tới 54,3%, trong khi của người lao động thì dường như đứng yên. Nhìn rộng hơn, giới CEO đã có mức lương tăng 10 lần chỉ trong vòng 30 năm. 

Trong giai đoạn 1990-2010, lượng người sống dưới mức nghèo khó đã giảm một nửa – báo cáo của Liên hợp quốc cho biết. Thế nhưng thế giới vẫn còn 830 người đang sống dưới mức này, tức là có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Oxfam nhìn nhận, nỗ lực giảm nghèo này là chưa đủ, không mô tả hết thực chất, khi mà nhiều nước vẫn phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng kinh tế, tăng trưởng trong suốt thời kỳ này. 
Hoài Thanh (Theo Newsweek)