10:10 15/10/2014

590 chuyến bay của khí cầu Graf Zeppelin

Từng là phương tiện bay thành công nhất thế giới những năm đầu thế kỷ XX, Graf Zeppelin là một loại khí cầu có điều khiển, khung cứng và được đặt tên theo nhà chế tạo chúng là Ferdinand Graf Von Zeppelin.

Từng là phương tiện bay thành công nhất thế giới những năm đầu thế kỷ XX, Graf Zeppelin là một loại khí cầu có điều khiển, khung cứng và được đặt tên theo nhà chế tạo chúng là Ferdinand Graf Von Zeppelin. Sau khi thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên vượt Đại Tây Dương và hạ cánh xuống Lakehurst, New Jersey, Mỹ vào ngày 15/10/1928, khí cầu Zeppelin thêm một lần nữa khẳng định khả năng chinh phục bầu trời của mình.

Khí cầu Graf Zeppelin.


Trong lịch sử phát triển của nhân loại, ước mơ vươn tới bầu trời luôn được con người hướng tới. Năm 1783, hai anh em nhà Montgolfier (Pháp) đã lần đầu tiên trình diễn một khí cầu do họ sáng chế. Khí cầu này được làm bằng vải, phết cao su bên ngoài và được bơm phồng bằng không khí nóng thông qua một ngọn lửa đặt phía dưới. Điểm đặc biệt nhất của khí cầu này là khả năng chở người và hàng hóa khác.

Đến thế kỷ XIX, bằng khả năng và trí tuệ của mình, con người đã tiếp tục chế tạo ra nhiều loại khí cầu mới, có khả năng điều khiển được. Tuy nhiên, thế kỷ XX mới là khoảng thời gian ngành chế tạo khí cầu đạt được những thành công vượt bậc. Nhiều loại khí cầu sử dụng động cơ, khả năng điều khiển linh hoạt đã được chế tạo trong giai đoạn này và một trong những khí cầu thành công nhất là khí cầu Graf Zeppelin.

Mang tên của chính người sáng chế ra nó - Bá tước người Đức Ferdinand Graf Von Zeppelin, khí cầu Graf Zeppelin được bắt đầu nghiên cứu và chế tạo vào năm 1926. Là khí cầu lớn nhất thế giới lúc đó, Graf Zeppelin có tổng chiều dài 236,6m; đường kính khoang khí 30,48m với sức chứa 105.000m khối khí; sức nâng tổng cộng 60.000kg. Nhờ sử dụng 5 động cơ 550 mã lực nên Graf Zeppelin có khả năng di chuyển với tốc độ 128km/h.

Do là khí cầu thương mại nên Graf Zeppelin được thiết kế hướng tới tiện nghi cao cho hành khách và phi hành đoàn. Khí cầu có đầy đủ khoang hành khách với sức chứa 20 người, khoang lái, khu vực sinh hoạt chung, khu vực dành cho phi hành đoàn cùng với một hệ thống thông tin liên lạc, máy phát điện hoàn chỉnh.

Sau một loạt thử nghiệm, ngày 18/9/1928, khí cầu Graf Zeppelin đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên, dưới sự chỉ huy của Hugo Eckener - một trong những tiến sĩ hàng không nhiều kinh nghiệm nhất của Đức lúc bấy giờ.

Thành công ở những thử nghiệm tiếp theo đã giúp Graf Zeppelin hướng đến một trong những hành trình quan trọng nhất của nó, đó là thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vượt Đại Tây Dương. Bắt đầu khởi hành tại Friedrichshafen (Đức) vào ngày 11/10, trải qua một chuyến bay dài gần 112 giờ với biết bao sóng gió, cuối cùng, Graf Zeppelin cũng hạ cánh thành công xuống xuống căn cứ hải quân Lakehurst, New Jersey, Mỹ vào ngày 15/10/1928. Sự kiện này đã ngay lập tức trở thành trung tâm của dư luận thế giới lúc bấy giờ.

Dù thực hiện thành công chuyến bay nhưng Graf Zeppelin đã phải chịu những thiệt hại khá nặng nề. Trên hành trình của mình, khí cầu này tưởng như đã phải kết thúc chuyến bay khi nó gặp phải một cơn bão mạnh vào sáng ngày 13/10. Với sức gió giật cấp 9, cấp 10, cơn bão đã hủy hoại gần như hoàn toàn hệ thống điều khiển khí cầu. Vừa bay, khí cầu vừa được sửa chữa tạm thời và cuối cùng Graf Zeppelin cũng dần thoát ra được vùng gió mạnh.

Chưa hết, những rắc rối lại tiếp tục đến với Graf Zeppelin sau đó 1 ngày, khi nó tiến vào khu vực tam giác quỷ Bermuda. Một cơn gió mạnh bất chợt nổi lên đã phá hỏng hoàn toàn những gì mà phi hành đoàn vừa sửa chữa trước đó. Dù vậy, dưới sự chỉ huy của một trong những tiến sĩ hàng không đầy kinh nghiệm - Hugo Eckener, Graf Zeppelin cũng đến được với bờ biển nước Mỹ. Sau khi hạ cánh an toàn, toàn bộ 40 hành khách cùng phi hành đoàn được chào đón như những người anh hùng.

Sau 2 tuần ở lại Mỹ để sửa chữa, ngày 28/10, Graf Zeppelin đã quay trở về Đức. Thời tiết thuận lợi đã giúp Graf Zeppelin thực hiện hành trình trở về chỉ trong 72 giờ. Đây là thời gian kỷ lục, chỉ bằng một nửa thời gian mà các tàu biển chở khách phải bỏ ra để vượt Đại Tây Dương.

Những năm sau đó, Graf Zeppelin tiếp tục thực hiện nhiều chuyến bay khác nhau như vòng quanh thế giới, nhiều lần vượt Nam Đại Tây Dương; bay thám hiểm, khám phá Bắc Cực...

Ngày 18/6/1937, Graf Zeppelin thực hiện hành trình cuối cùng của mình, từ Friedrichshafen đến Frankfurtvà chính thức bị phá dỡ vào năm 1940. Trên suốt quãng thời gian 9 năm hoạt động, Graf Zeppelin đã thực hiện tổng cộng 590 chuyến bay với quãng đường trên 1,6 triệu km. Nó đã chuyên chở thành công hàng ngàn lượt hành khách, hàng trăm tấn hàng hóa… và trở thành khí cầu thành công nhất thế giới lúc bấy giờ.

Không chỉ có vậy, dù mang kích thước khổng lồ nhưng với những tiện nghi cùng khả năng chuyên chở mà nó đem lại, Graf Zeppelin đã đi vào tiềm thức nhân loại như là một trong những phương tiện vận tải hành khách tốt nhất và an toàn nhất. Graf Zeppelin cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều loại khí cầu khác, xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh Hollywood và là cơ sở để các nhà khoa học tiếp tục sáng tạo ra những chiếc  máy bay thương mại lớn sau này.

Ngày nay, dù không còn phổ biến nhưng với những tính năng ưu việt của mình, khí cầu Graf Zeppelin vẫn được nhiều quốc gia tiếp tục nghiên cứu và phát triển.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN