08:23 30/08/2014

50 năm chiến thắng An Lão

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, khi đến An Lão, một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, chúng tôi được chứng kiến một không khí chuẩn bị lễ hội sôi động và đủ các sắc màu từ những công trình tươi rói vừa được xây dựng xong;

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, khi đến An Lão, một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, chúng tôi được chứng kiến một không khí chuẩn bị lễ hội sôi động và đủ các sắc màu từ những công trình tươi rói vừa được xây dựng xong; băng rôn, khẩu hiệu và cờ phướn rợp một “góc trời”trên trục đường tỉnh lộ kéo dài từ cổng chào chính đi vào huyện lỵ đến các con đường những khu phố của thị trấn đang trên đà phát triển, nằm sát bên dòng sông An Lão xanh trong, hiền hòa và thơ mộng.

 

Khu tái định canh, định cư An Toàn, huyện An Lão.


Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện vui vẻ cho biết: Trong nhiều tháng qua, lãnh đạo tỉnh và huyện đã khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nội dung chương trình chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng An Lão (7/12/1964 - 7/12/2014) sắp đến. Đây là một sự kiện chính trị và văn hóa lớn, không chỉ của huyện, của tỉnh, mà của cả nước.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện An Lão là căn cứ cách mạng phía Bắc của tỉnh Bình Định, nơi đóng quân của Sư đoàn 3 Sao Vàng và hậu phương của Quân khu 5. Vì vậy, Mỹ - Diệm đã dùng mọi hình thức tàn bạo “giết sạch, phá sạch và đốt sạch” để chống phá phong trào cách mạng và thực hiện âm mưu bình định nông thôn. Đầu tháng 12/1964, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng thị trấn An Lão. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đến 1 giờ 5 phút sáng 7/12/1964, ta đã nổ súng tấn công dồn dập vào các căn cứ quân sự, lần lượt tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm của địch, giải phóng 8 ấp chiến lược và thị trấn An Lão.

 

Đây là một chiến thắng lớn đầu tiên của quân và dân ta ở khu Trung Trung Bộ và góp phần cổ vũ cho cán bộ chiến sĩ khắp chiến trường miền Nam xông lên tiêu diệt kẻ thù để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống của một huyện anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để hàn gắn vết thương sau chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân. Ghi nhận thành tích đó, năm 1998 An Lão đã được Đảng - Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Đường vào trung tâm thị trấn An Lão.


Trong suốt 28 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trên địa bàn huyện, đã không ngừng đưa nền kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững; dân chủ xã hội được mở rộng, hệ thống chính trị các cấp được tăng cường. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng hàng năm 15,4%. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng đưa lại hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nước ngọt tiếp tục phát triển cao về sản lượng và chất lượng; công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, đến nay độ che phủ rừng đạt 72,4% và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản gia trại và trang trại đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng 6,9%.


Từ năm 2009 đến nay, sự đầu tư của của Nhà nước thông qua Chương trình 135 và Quyết định 30a Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức kinh tế trong nước và các chương trình lồng ghép khác với tổng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã và thôn bản; các công trình văn hoá , giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư phát triển rộng khắp; điện thoại di động và Internet đã được phủ sống tại 57/57 thôn trên địa bàn huyện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 8/8 xã đang được triển khai thực hiện theo đồ án và đề án đã được phê duyệt trong có có 50% số xã đã đạt được từ 7-11 tiêu chí. Thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh, bền vững, trong những năm qua, từ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức kinh tế khác, tỉnh đã đầu tư trên 300 tỷ đồng, giúp đỡ xây dựng trên 1.040 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo và hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng khác cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất…

 

Nhờ vậy, đến nay hầu hết các thôn, bản trên địa bàn huyện đã ổn định tái định canh, đinh cư và đồng bào thiểu số đã biết làm lúa nước và sản xuất lúa lai đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của đại bộ phận đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 63,6% năm 2010, xuống còn 50,9% năm 2013. Đời sống văn hoá ngày càng được nâng cao, nhiều hủ tục lạc hậu dần dần được xóa bỏ tận gốc; huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và có 5 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.


Có thể nói với hướng đi đúng đắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và đã đưa lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần làm cho bộ mặt của một huyện nghèo miền núi đã đổi thay lạ thường. Ghi nhận thành tích đó, năm 2012, huyện An Lão đã được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và năm 2014 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng An Lão, Đảng và Nhà nước lại trao tặng huyện nhà Huân chương Độc lập hạng 3 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác trao tặng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua ái quốc.