11:18 04/11/2015

50 lính đặc nhiệm Mỹ có tạo sự khác biệt tại Syria?

Liệu 50 lính đặc nhiệm Mỹ đến Syria với nhiệm vụ “cố vấn và hỗ trợ” cho các lực lượng nổi dậy “ôn hòa” có thể thực sự tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến tại Syria?


Tuyên bố của Tổng thống Barack Obama phái một nhóm binh sỹ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đến Syria với nhiệm vụ “cố vấn và hỗ trợ” cho các lực lượng nổi dậy “ôn hòa” đã làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu 50 người này có thể thực sự tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến tại Syria hay không.

Về cơ bản, lực lượng này được triển khai để nhằm chống lại chính quyền Syria - có quân đội riêng, được quân đội Nga trực tiếp hậu thuẫn, và có cả sự hỗ trợ của nhóm vũ trang Hezbollah do Iran chống lưng. Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng việc điều động Lực lượng Đặc nhiệm chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức. Thượng nghị sĩ Linsey Graham của bang Bắc Carolina cho rằng "việc gia tăng số lượng và sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không thay đổi được tình hình tại đây".

Tổng thống Mỹ hy vọng có thể gia tăng ảnh hưởng đối với phe nổi dậy “ôn hòa” tại Syria.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng kế hoạch này có thể có nhiều ý nghĩa hơn là một cuộc triển khai quân mang tính tượng trưng. Nhất là bởi mục đích của lực lượng này là hỗ trợ quân nổi dậy “ôn hòa”, lực lượng đã đạt được một số kết quả nhất định trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Emma Ashford, chuyên gia về quốc phòng và chính sách ngoại giao thuộc Viện Cato tại Washington, Mỹ, nói: “Mặc dù việc cử 50 lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria chỉ là sự đóng góp nhỏ về mặt quân số, song họ hoàn toàn có thể hợp tác hiệu quả với các nhóm nổi dậy ‘ôn hòa’ trên thực địa”.

Mỹ hy vọng có thể gia tăng ảnh hưởng đối với phe nổi dậy “ôn hòa”, lực lượng bao gồm các tay súng người Kurd và Quân đội Syria Tự do (FSA). Theo nhà nghiên cứu Nicholas Heras, làm việc cho Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, sự phối hợp giữa hai lực lượng này có thể giúp tái chiếm một số ngôi làng dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ từ tay IS.

Người Kurd và FSA đã thành lập một cơ quan điều phối chiến dịch chung để lên kế hoạch tác chiến, và điều này, càng chứng tỏ rằng họ hoàn toàn có thể thiết lập một mặt trận đa sắc tộc vững chắc. Điều này đã từng diễn ra tại Kobane, nơi FSA đã hỗ trợ người Kurd bảo vệ thành công thị trấn này trước IS hồi năm 2014. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu hồi tuần trước: “Các lực lượng này không chỉ quét sạch IS khỏi thị trấn Kobane, mà còn đánh bật nhóm khủng bố này khỏi một khu vực rộng lớn hơn. Họ cũng đã giành được những ưu thế nhất định khi tiến về Raqqa", nơi IS tự coi là thủ đô của "caliphate" - vương quốc Hồi giáo do chúng lập nên.

Ông Heras nói rằng sự hiện diện của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ “có thể trấn an các đồng minh của Mỹ rằng Mỹ cũng đang có sức ảnh hưởng lớn” đối với người Kurd tại Syria. Đây là điều vô cùng quan trọng, nhất là đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh lực lượng người Kurd ở quốc gia này đang hiện thực hóa mục tiêu ly khai. Cũng theo ông Hera, Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã có kinh nghiệm dày dạn từ các chiến dịch tại Afghanistan và Iraq. Họ có thể tư vấn về việc “làm thế nào để hỗ trợ quân nổi dậy ‘ôn hòa’ triển khai các chiến dịch hiệu quả", cũng như “gửi những dữ liệu về tình hình Syria trên thực địa một cách nhanh chóng và chính xác về Mỹ”.

Lo ngại lớn nhất hiện nay là Mỹ sẽ bảo vệ nhân sự của mình như thế nào. Tiến sỹ Ashford nói: “Nhà Trắng khẳng định đây không phải là một nhiệm vụ chiến đấu, song với những gì đã và đang diễn ra, rõ ràng mọi sứ mệnh đều có thể kết thúc bằng việc tham chiến, cho dù mục đích triển khai ban đầu chỉ là làm cố vấn. Tôi tin chắc rằng tình hình tại Syria sẽ có những biến chuyển nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì để đổi lấy lợi ích nhỏ này".

TTK