08:17 12/08/2014

5 vũ khí nếu Nga bán cho Trung Quốc khiến Mỹ lo sợ

Nếu Moskva sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Washington sẽ phải đau đầu. Một trong những cách mà Nga có thể làm như vậy đó là vượt qua những trở ngại mang tính nội bộ để xuất khẩu các vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc.

Trong khi việc mua bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc bùng nổ sau khi Liên Xô sụp đổ, thì những thương vụ về các hệ thống vũ khí lớn lại giảm đi trong những năm đầu của thập kỷ qua. Một phần của lý do này là do nhu cầu; Trung Quốc cảm thấy rằng nước này không cần thiết chi nhiều tiền cho các hệ thống vũ khí của Nga trong khi Bắc Kinh có thể tự phát triển.

Tuy nhiên, một lý do khác liên quan đến những quan ngại về vấn đề sở hữu trí tuệ của Nga xuất phát từ việc Trung Quốc sao chép các hệ thống quân sự của Moskva. Điều này khiến Nga không muốn xuất khẩu những loại vũ khí hiện đại nhất của mình. Nhưng nếu Moskva sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Washington sẽ phải đau đầu. Một trong những cách mà Nga có thể làm như vậy đó là vượt qua những trở ngại mang tính nội bộ trên để xuất khẩu các vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc.

Đó là nhận xét của Giáo sư Robert Farley tại trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế Patterson, Đại học Kentucky có trụ sở ở Washington (Mỹ). Trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng National Interest mới đây với tiêu đề "Five Ways Russia Could Help China's Military Become Even Deadlier" (tạm dịch: 5 cách Nga có thể giúp quân đội Trung Quốc trở nên 'nguy hiểm' hơn), ông Farrley đưa ra một số quan điểm sau.

Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã bị sa sút kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng Moskva vẫn còn giữ lại được rất nhiều kiến thức chuyên môn và nguồn nhân lực trong lĩnh vực quân sự mà Trung Quốc (với một sức mạnh quân sự ngày càng tăng) có thể sử dụng hiệu quả. Dưới đây là 5 loại vũ khí chủ yếu mà sự hợp tác Nga-Trung có thể hữu ích đối với Bắc Kinh nhưng lại khiến Mỹ lo sợ.

Động cơ máy bay phản lực

Phát triển động cơ là một trong những trở ngại lớn nhất trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong thập kỷ qua. Không chỉ các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như J-10, J-11 và J-15 mà còn những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, thậm chí tàng hình như J-20 và J-31 của Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với vấn đề này.

Phát triển động cơ là một trong những trở ngại lớn nhất trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong thập kỷ qua.


Động cơ của Nga không hẳn là nổi tiếng về độ tin cậy đặc biệt, nhưng chúng luôn có chất lượng tốt hơn so với của Trung Quốc. Theo một số chuyên gia, việc Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 Flanker của Nga xuất phát từ sự quan tâm của Bắc Kinh trong việc kiểm tra và nhân rộng các động cơ, nhằm khởi động ngành công nghiệp động cơ phản lực của mình.

Điều này sẽ đặt ra một nguy cơ lớn đối với Nga. Hỗ trợ ngành công nghiệp động cơ phản lực cho Trung Quốc sẽ làm mất đi một trong những khách hàng tiềm năng lớn nhất đối với những động cơ của Nga (Trung Quốc), đồng thời cũng nâng cao vị thế xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, điều này có thể tạo ra một mối quan hệ lâu dài, đặc biệt khi Nga có những đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Và các máy bay chiến đấu của Trung Quốc với động cơ đáng tin cậy mạnh mẽ hơn sẽ tạo ra một mối đe dọa ngày càng tăng đối với Hải quân (USN) và Không quân Mỹ (USAF).

Máy bay ném bom

Không quân Trung Quốc (PLAAF) đang duy trì hoạt động của máy bay ném bom H-6, một sự sao chép từ máy bay ném bom cũ Tu-16 "Badger" thời Liên Xô, tương đương với máy bay B-47 của Mỹ. Hiện có nhiều báo cáo khác nhau cho thấy Trung Quốc đang nghiên cứu một loại máy bay ném bom mới.

Trong khi đó, Nga có kinh nghiệm nhiều hơn Trung Quốc trong việc phát triển máy bay ném bom hạng nặng, và một vài biến thể vẫn đang hoạt động có chất lượng tốt hơn bất kỳ loại máy bay ném bom nào mà PLAAF đã sử dụng. Chúng bao gồm các máy bay ném bom Tu-95 Bear (biến thể của Tu-142), Tu-22M Backfire và Tu-160 Blackjack. Mặc dù tất cả các loại máy bay này là cũ, nhưng vẫn hiện đại hơn so với các máy bay đang hoạt động của Trung Quốc.
 

Máy bay ném bom Tu-95 của Nga.


Thật vậy, khi Liên Xô phát triển lực lượng máy bay ném bom chiến lược của mình nhằm đối phó với hải quân NATO, những kinh nghiệm về các máy bay ném bom của Nga rất phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc. Máy bay ném bom Liên Xô từng tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nhóm tàu sân bay của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, và sẽ phù hợp với các hệ thống vũ khí chống tiếp cận (AD/A2) của Trung Quốc.

Các nhà phân tích thường đưa ra ý tưởng về một thương vụ tiềm năng rằng Nga sẽ bán máy bay ném bom Tu-22 Backfire cho Trung Quốc nhưng hiện nay điều này vẫn chưa trở thành hiện thực. Sự bất thành này dường như đến từ phía Nga, trong đó có sự lo ngại về rò rỉ công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của không quân Trung Quốc, bởi Tu-22M sẽ bổ sung vào khả năng tấn công tầm xa của Trung Quốc đối với căn cứ và tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cho dù Nga có quyết định xuất khẩu Tu-22M trực tiếp đến Trung Quốc hay cấp giấy phép sản xuất hoặc chỉ đơn giản là hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án máy bay ném bom mới của Trung Quốc, sự hợp tác này có thể giúp cho PLAAF tăng cường khả năng chiến đấu của họ lên rất nhiều.

Tàu ngầm

Cũng giống như các hệ thống vũ khí khác, Trung Quốc đã có sự tiến bộ lớn về công nghệ tàu ngầm trong 30 năm qua. Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện nay có các tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện diesel và thậm chí là cả tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, những chiếc tàu này vẫn tụt hậu hơn so với các tàu ngầm tiêu chuẩn của Mỹ và các tàu ngầm tiêu chuẩn thế hệ mới nhất của Nga.

Tàu ngầm lớp Lada của Nga.


Mặc dù Trung Quốc đã có những tiến bộ, nhưng PLAN có thể học được rất nhiều thứ từ các tàu ngầm lớp Akulas, Dự án 949, tàu ngầm lớp Yuri Dolgurukiy, và thậm chí cả tàu ngầm lớp Lada vốn đang có vấn đề. Trong khi tàu ngầm của PLAN hy vọng thực hiện được các nhiệm vụ tương tự như các tàu ngầm mà Liên Xô đã tiến hành trong Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Trung Quốc vẫn có độ ồn cao hơn nhiều so với các tàu ngầm của Nga và Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện một tàu ngầm có trang thiết bị chống tàu ngầm để có thể đối đầu trực tiếp với các tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ.

Trước đây, Nga đã bảo vệ chặt chẽ công nghệ tàu ngầm của mình. Tuy nhiên, việc cho Ấn Độ thuê tàu ngầm Akula trong những năm gần đây cho thấy Nga đang “thoáng hơn” trong lĩnh vực này. Tất nhiên, Nga sẽ không cung cấp cho Trung Quốc tất cả mọi thứ cần thiết để xây dựng một tàu ngầm tương đương với tàu ngầm lớp Yuri Dolgurukiy của mình, nhưng một loạt các hỗ trợ kỹ thuật vẫn có thể cải thiện đáng kể các thế hệ tàu ngầm tiếp theo của Trung Quốc.

Hệ thống phòng không

Với sự tập trung vào khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc, rất ít sự quan tâm dành cho các hệ thống phòng không của nước này. Hầu hết sự chú ý đều tập trung vào các yếu tố tấn công của hệ thống của hệ thống phòng thủ, bao gồm các tàu ngầm, tên lửa hành trình, máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga.


Nhưng sự hoàn thiện của AD/A2 phụ thuộc vào tính hiệu quả của hệ thống phòng không của Trung Quốc. Nếu máy bay và tên lửa hành trình của Mỹ có thể tấn công căn cứ không quân, các nút giao thông, bệ phóng tên lửa, và các trung tâm dịch vụ hậu cần của Trung Quốc, thì toàn bộ hệ thống AD/A2 có thể bị tan vỡ trước khi hoàn tất sứ mệnh của mình.

Trung Quốc đã có nhiều cải thiện đáng kể khả năng phòng không của mình, đặc biệt là tổ hợp tên lửa HQ-9 có tính cạnh tranh tầm quốc tế. Tuy nhiên, việc bổ sung các công nghệ tên lửa Nga sẽ làm tăng khả năng hệ thống phòng không của Trung Quốc. Gần đây, có vẻ như Nga đang chuẩn bị để xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến S-400 cho Trung Quốc, nếu điều này trở thành hiện thực sẽ giúp quân đội Trung Quốc thu hẹp khoảng cách cả về kỹ thuật và sự phòng thủ. S-400 có thể theo dõi và tham gia vào các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn HQ-9, cho phép Trung Quốc tạo ra một lớp phòng thủ cho cả Đài Loan.

Tên lửa đạn đạo

Trung Quốc đã có bước nhảy vọt ấn tượng trong 20 năm qua liên quan đến công nghệ tên lửa đạn đạo. Nằm trong biên chế của Quân đoàn pháo binh số 2, các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hiện nay khá hiện đại, tạo ra sự đe dọa từ nhiều hướng đối với bất kỳ đối thủ tiềm năng nào.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn phải học hỏi nhiều từ Nga, cả về tên lửa tầm ngắn và tên lửa tầm xa. Tên lửa Iskander-E của Nga nổi tiếng là có những tính năng như khả năng cơ động đầu cuối, vượt trội hơn bất cứ loại tên lửa nào của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc sở hữu loại tên lửa này của Nga sẽ giúp cho PLA có một lợi thế lớn trong một loạt các cuộc xung đột tiềm năng.

Tên lửa Iskander-E của Nga.


Cũng như một số các hệ thống khác, Nga vẫn quan ngại việc xuất khẩu tên lửa sang Trung Quốc vì một phần liên quan đến an ninh và vấn đề sở hữu trí tuệ. Nếu Trung Quốc sao chép công nghệ tên lửa của Nga, họ có khả năng đẩy Nga ra khỏi thị trường xuất khẩu. Tương tự như vậy, một số quan chức trong lực lượng vũ trang Nga xem việc xuất khẩu tên lửa tầm ngắn tiên tiến đến một láng giềng hùng mạnh là một sự quan ngại lớn. Nhưng nếu sau này, Trung Quốc có thể bắt kịp công nghệ của Nga thì trong mọi trường hợp, sự sự dè dặt trên trở nên vô nghĩa.

Mọi thứ đã thay đổi kể từ những năm 1990. Trung Quốc đã trở thành một nhà sản xuất công nghệ quân sự lớn theo đúng nghĩa của nó. Nước này cũng không còn sử dụng tất cả các vũ khí mà Nga sản xuất, và các hệ thống vũ khí của Bắc Kinh đang ngày càng cạnh tranh với Nga trên thị trường quốc tế. Đối với Nga, những rủi ro khi xuất khẩu vũ khí hiện đại sang Trung Quốc đã tăng lên, đặc biệt là vì những lo ngại về việc giải thích lòng vòng của Trung Quốc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nếu Nga không ngại, sẵn sàng mở rộng xuất khẩu vũ khí và hợp tác kỹ thuật với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ phải lo ngại.


Công Thuận (Theo N.I)