06:06 05/06/2019

5 năm sau vụ MH17 bị bắn rơi, các hãng hàng không vẫn ra sức bảo vệ phi cơ

Gần 5 năm sau khi máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine khiến 298 người thiệt mạng, các hãng hàng không đã ra sức giảm thiểu tối đa rủi ro đối với phi cơ của họ.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ rơi MH17 năm 2014. Ảnh: Reuters

Khi Pakistan đóng không phận trong thời điểm căng thẳng với Ấn Độ vào tháng 2, máy bay của Malaysia Airlines không nằm trong nhóm thay đổi đường bay bởi hãng hàng không này đã thực hiện điều này từ trước đó 2 tuần.

Lãnh đạo của Malaysia Airlines – ông Izham Ismail chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Vết thương còn nằm lại ở đây và chúng tôi vô cùng nghiêm túc trong việc giữ an toàn”.

Sau vụ việc với MH17, ngành hàng không ủng hộ nhiệt tình sáng kiến của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc tạo một trang web về các vùng chiến sự nhằm lên kế hoạch sắp xếp đường bay.

Tuy nhiên vẫn tồn tại lo ngại liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo không đầy đủ giữa các chính phủ và nhiều quốc gia lưỡng lự trong việc đóng cửa không phận khi xảy ra xung đột.

Sau khi trang web của ICAO bị đóng cửa do nhận hàng loạt phàn nàn từ các quốc gia về việc chia sẻ thông tin, các hãng hàng không đã tìm đến giải pháp khác.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá trang web của ICAO “sập” do một số quốc gia không muốn công khai thông tin về mối nguy hiểm trong không phận của họ. Do đó, các hãng hàng không chuyển sang sử dụng dụng vụ thương mại như của công ty OPSGROUP.

Ông Mark Zee, người thành lập OPSGROUP vận hành trang web về an toàn không phận mang tên Safe Airspace chia sẻ: “Đối với 50 hãng hàng không lớn, họ có nhiều nguồn lực để tạo bộ phận an ninh. Nhưng nhiều hãng hàng không khác lại gặp khó khăn trong việc đưa ra đánh giá rủi ro”.

Các hãng hàng không đã chi hàng triệu USD/năm dành cho nhiên liệu phụ trợ khi bay qua không phận tại Trung Đông và châu Phi nhằm tránh vùng xung đột. Mỹ và một số quốc gia khác thậm chí đã ra lệnh cấm hãng hàng không bay qua không phận Syria với lý do an toàn.

Các hãng hàng không cũng có cái nhìn khác nhau về những quốc gia đang có chiến sự. Trước khi vụ việc MH17 xảy ra, British Airways và Air France đều tránh không phận ở Đông Ukraine nhưng Lufthansa và Singapore Airlines vẫn để phi cơ đi qua khu vực này.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - ông Gilberto Lopez-Meyer đánh giá: “Chính vì vậy chúng ta cần thông tin tốt hơn”.

Trong khi Hà Lan chấp nhận chia sẻ thông tin về rủi ro đối với hãng hàng không trong nước, một số quốc gia khác lại ngập ngừng về điều này.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc của Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ Không lưu (CANSO) – ông Jeff Poole nói: “Quy định không thể thay đổi hành vi của các quốc gia. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng ngày càng có nhiều quốc gia nhận trách nhiệm nghiêm túc”.

ICAO đã kêu gọi các cơ quan quản lý không phận báo cáo về mối hiểm nguy trên bầu trời những khu vực chiến sự tới phi công, tuy nhiên nhiều khả năng đến tháng 11/2020 đề nghị này mới được hiện thực hóa.

Hà Linh/Báo Tin tức