04:09 20/04/2011

“5 không” vẫn thiếu?

Các địa phương trong cả nước vẫn đang nỗ lực thực hiện 5 không trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Các địa phương trong cả nước vẫn đang nỗ lực thực hiện 5 không trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đó là: Không giấu dịch; không mua gia súc gia cầm và sản phẩm gia cầm mắc bệnh; không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh; không thả rông, vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh bừa bãi.

Những tưởng với việc thực hiện tốt “5 không” này, mọi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ bị đẩy lùi đồng thời ngăn chặn được những hành vi, ý thức tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến công tác này. Thế nhưng, thực tế đã phát sinh những hiện tượng khiến phải đặt ra câu hỏi, liệu “5 không” đã là đủ hay là phải có tới “6 không”, “7 không”, thậm chí… “n không” thì mới mong ngăn chặn được dứt điểm mọi tiêu cực, mọi “ổ bệnh”?

Chuyện là, mới đây, ông Hà Văn Lược, xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến đã bị buộc phải trả lại 15 triệu đồng kinh phí hỗ trợ lợn lở mồm long móng mà ông này đã nhận. Nguyên do, sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh nghi ngờ của bà con và khai quật các hố chôn lợn bị bệnh của nhà ông Lược, các đơn vị chức năng đã phát hiện thiếu 18 con so với biên bản xác nhận của Thú y xã. Sau sự việc này, cũng mới phát hiện ra một thực tế, cách tính trọng lượng của lợn để chi tiền hỗ trợ của xã này rất đại khái: Lấy 3 con cân lên, sau đó lấy tổng trọng lượng để chia trung bình, rồi lại nhân với tổng số con để tính ra số kg phải trả tiền hỗ trợ.

Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gần như năm nào cũng tái diễn. Vì thế, công tác phòng chống dịch được nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương dốc sức vào cuộc với mục tiêu dập dịch, ngăn dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5/6/2008 của Chính phủ đã quyết định, ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm. Trong đó gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh có mức hỗ trợ tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Sự chia sẻ này của Nhà nước đối với người dân là hết sức thiết thực và càng lớn lao trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp những khó khăn, thách thức.

Thế nhưng, với việc vẫn có những người dân, đơn vị, địa phương… còn tắc trách, sai phạm trong thực hiện, thậm chí lợi dụng chính sách của Nhà nước để mưu lợi cho cá nhân thì rõ ràng vẫn còn rất nhiều điều cần nói “không” trong công tác thực hiện phòng chống dịch bệnh. Từ câu chuyện gian lận trong nhận hỗ trợ kinh phí tiêu hủy của ông Lược, có lẽ phải bổ sung thêm một “không” nữa là “không gian lận trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh”?

Rõ ràng, “5 không” được đặt ra đều nhằm vào ý thức của người dân, của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Nhưng thực tế cho thấy, dù có bao nhiêu “không” mà người dân vẫn thiếu ý thức, vẫn vì những lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến ảnh hưởng và lợi ích của cộng đồng, xã hội và đất nước thì dù có là dịch bệnh gì cũng khó mà ngăn chặn nổi!

Hồng Nga