10:19 06/10/2021

5 cáo buộc 'khủng khiếp’ mà Facebook đang phải đối mặt

Cựu nhân viên Facebook, Frances Haugen tuyên bố phơi bày những “sự thật khủng khiếp” về mạng xã hội lớn nhất thế giới. Và dưới đây là những cáo buộc nghiêm trọng nhất mà “người thổi còi” này đưa ra trước một tiểu ban thuộc Thượng viện Mỹ.

Chú thích ảnh
Cựu nhân viên Facebook, Frances Haugen, xuất hiện trước Tiểu ban Thương mại, Khoa học và Giao thông của Thượng viện trong phiên điều trần "Bảo vệ trẻ em trực tuyến: Lời khai từ một người tố cáo Facebook" Ảnh: Getty Images

Theo tờ Newsweek, Frances Haugen đã ra làm chứng trước một tiểu ban về bảo vệ người tiêu dùng thuộc Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ vào ngày 5/10 và đã tiết lộ khá chi tiết những gì cô thu thập được trong thời gian làm việc tại công ty.

Phần lớn buổi điều trần, cũng như các câu hỏi và bình luận từ các thượng nghị sĩ đều xoay quanh tác động của “người khổng lồ” truyền thông xã hội đối với giới trẻ. Bên cạnh cáo buộc về những nỗ lực của Facebook nhằm tăng lượng khán giả trẻ tuổi, Haugen – một cựu giám đốc sản phẩm của Facebook – còn hé lộ nghiên cứu của công ty về tác hại mà dịch vụ của Facebook gây ra với người trẻ tuổi, đặc biệt là về chứng rối loại ăn uống và hình ảnh cơ thể.

Dưới đây là 5 cáo buộc nghiêm trọng nhất nhằm vào Facebook mà Haugen đưa ra trong gần ba tiếng tham dự buổi điều trần.

Chú thích ảnh
Haugen trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình "60 minutes" phát sóng ngày 3/10. 

1. Zuckerberg nắm quyền lực tuyệt đối

Mặc dù mọi người đều biết rằng từ lâu Mark Zuckerberg nắm quyền tối cao trong Facebook với tư cách là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, nhưng Haugen đã giải thích rõ hơn về mức độ kiểm soát của ông chủ. Cô cho biết Zuckerberg “nắm giữ một vai trò độc nhất trong ngành công nghệ khi nắm giữ trên 55% cổ phần có quyền biểu quyết tại Facebook”.

“Không một công ty lớn tương tự nào lại được kiểm soát đơn phương như vậy", Haugen nói và nhấn mạnh, “hiện tại không ai bắt Zuckerberg phải chịu trách nhiệm ngoài chính ông ta."

Haugen cũng đề cập việc Facebook từng tuyên bố rằng họ có quyền miễn trừ theo Mục 230 và do đó "có quyền đánh lừa tòa án”. (Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông quy định rằng một dịch vụ máy tính tương tác không thể được coi là nhà xuất bản hoặc người phát ngôn của nội dung do bên thứ ba sản xuất)  

2. Đặt lợi nhuận lên trên con người

“Nếu họ kiếm được 40 tỉ USD mỗi năm, họ có đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề này”, Haugen nói khi thảo luận về những vấn đề mà Facebook gây ra. Tuy nhiên, cô cho biết công ty đã hết lần này đến lần khác “đặt lợi nhuận khổng lồ lên trên con người”.

Trong suốt quá trình làm chứng, Haugen liên tục kêu gọi Quốc hội can thiệp để điều chỉnh và xác định các quy tắc cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch kiêm CEO của Facebook Inc, Mark Zuckerberg. Ảnh: Getty Images

3. Facebook đã theo dõi cách Trung Quốc, Iran và các quốc gia nước ngoài sử dụng dịch vụ cho hoạt động gián điệp.

Haugen cho biết nhóm của cô "trực tiếp theo dõi sự tham gia của người Trung Quốc ở vấn đề khảo sát nền tảng, chẳng hạn như dân số người Ngô Duy Nhĩ ở các nơi trên thế giới."

Haugen tiếp tục, “Chúng tôi cũng tìm thấy bằng chứng thuyết phục, chẳng hạn như chính phủ Iran đang thực hiện hoạt động gián điệp đối với các tổ chức nhà nước khác, vì vậy đây chắc chắn là điều đang xảy ra. Và tôi tin rằng, việc Facebook luôn thiếu nhân lực ở hoạt động phản gián, thông tin và chống khủng bố là một vấn đề an ninh quốc gia”. 

“Người thổi còi” cũng nói rằng "Facebook biết rõ rằng điều này đang xảy ra trên nền tảng của họ, và tôi tin rằng việc Quốc hội không nhận được báo cáo chính xác có bao nhiều người đang làm việc này trong nội bộ [Facebook] là không thể chấp nhận vì các ngài có quyền bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ”.

4. Facebook đã thay đổi các mặc định an toàn vào khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và sau đó họ đã cài đặt trở lại sau vụ bạo loạn ngày 6/1 vào Điện Capitol.

“Người thổi còi” cho biết Facebook đã thay đổi các mặc định an toàn của mình trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020 “bởi vì họ biết rằng chúng nguy hiểm, và sau đó cài trở lại mặc định ban đầu. Họ đã ‘phá rào’ vào ngày 6/1 và rồi thiết lập trở lại, tôi nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng”.

5. Facebook nhận thức rõ về tác hại đối với giới trẻ và việc lan truyền thông tin sai lệch gây thiệt hại cho xã hội như thế nào.

Haugen đã nói về cách các chuyên gia của Facebook tiến hành những nghiên cứu mở rộng về tác động tiêu cực của Facebook và Instagram đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là về sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể. Cô cũng nêu chi tiết về cách công ty nhắm mục tiêu tới người trẻ, gồm cả người dưới 13 tuổi.

Chú thích ảnh
Cô Frances Haugen tại phiên điều trần về "Bảo vệ trẻ em trực tuyến". Ảnh: Reuters 

Theo Haugen, các thuật toán của Facebook hỗ trợ cách hoạt động của các nền tảng và những gì mọi người nhìn thấy trên trang Tin (News Feeds) của họ. Cô cho rằng những cơ chế mạnh mẽ này không nên hoạt động trong một “hộp đen” vốn chỉ Facebook kiểm soát và hiểu được, mà chúng phải được xem xét và quản lý.

Các tài liệu nội bộ mà Haugen tiết lộ đã cho thấy sự thay đổi vào 2018 đối với News Feeds của Facebook thiên về ưu tiên nội dung kích thích nhiều cảm xúc hơn ở mọi người - đặc biệt là sự tức giận, vì nó thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn bất kỳ cảm xúc nào khác.

Haugen và các thành viên của Quốc hội cũng đã thảo luận về cách các thuật toán của Facebook có thể đẩy thanh thiếu niên đến với nội dung độc hại, chẳng hạn như những nội dung kích động chứng rối loạn ăn uống.

Thảo luận về việc thông tin sai lệch lan truyền trên mạng ảnh hưởng đến người khác như thế nào, Haugen nói: "Khi tôi làm việc về thông tin sai lệch dân sự, chúng tôi đã thảo luận về ý tưởng gánh nặng thông tin sai lệch, như ý tưởng rằng khi mọi người tiếp xúc với thông tin không đúng sự thật, lặp đi lặp lại, nó sẽ xói mòn khả năng kết nối với cộng đồng của họ về cơ bản, bởi họ không còn gắn với những sự thực là thực tế đồng thuận”.

Facebook bác bỏ lời khai của Haugen

Người phát ngôn của Facebook, Lena Pietsch đã nhanh chóng bác bỏ lời khai của “người thổi còi” tại buổi điều trần nói trên. Trong một tuyên bố, bà Pietsch nói: “Hôm nay, một tiểu ban của Ủy ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức buổi điều trần với một cựu giám đốc sản phẩm tại Facebook, người đã làm cho công ty trong không đầy 2 năm, không có báo cáo trực tiếp nào, chưa từng tham dự một cuộc họp ra quyết định nào với các giám đốc cấp độ C – và đã ra làm chứng trên 6 lần, không về những chủ đề được đề cập”.

Tuyên bố của người phát ngôn Facebook tkhẳng định: "Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của cô ấy về nhiều vấn đề đã làm chứng. Nhưng bất chấp tất cả những điều này, chúng tôi đồng ý một điều: đã đến lúc bắt đầu tạo ra các quy tắc tiêu chuẩn cho Internet. Đã 25 năm kể từ khi các quy tắc cho Internet được cập nhật, và thay vì mong đợi ngành công nghiệp đưa ra các quyết định xã hội, quyết định thuộc về các nhà lập pháp, đã đến lúc Quốc hội phải hành động".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Newsweek, CNN)