04:06 24/04/2018

5 bài học Tổng thống Trump rút ra từ thỏa thuận Iran để đối thoại với Triều Tiên

Trong bối cảnh công tác chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra “khá suôn sẻ” như lời tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, yêu cầu về một chiến lược cho các cuộc đối thoại trực tiếp được chú trọng hơn bao giờ hết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bên cạnh quả tên lửa đạn đạo Hwasong-12 tại một địa điểm bí mật ngày 14/5/2017. Ảnh: KCNA

Trong khi thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm các điều khoản hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như các điều khoản thanh tra giúp hình thành một khung chương trình cho thỏa thuận với Triều Tiên, theo tờ Defense News, Tổng thống Trump có thể rút ra 5 bài học dưới đây, từ những thiếu sót trong bản thỏa thuận Iran để có bước tiếp cận toàn diện hơn với quốc gia Đông Bắc Á.

Điều đầu tiên là hai bên phải đi đến một thỏa thuận vĩnh viễn. Thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận đầu tiên liên quan đến việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, trong đó các biện pháp trừng phạt mạnh đa phương đóng vai trò là đòn bẩy để đi đến kết quả thỏa thuận, cũng như việc loại bỏ vũ khí hạt nhân là phần cốt lõi của thỏa thuận.

Tuy nhiên mọi lo lắng đều bắt nguồn từ việc thỏa thuận Iran không phải một thỏa thuận vĩnh viễn. Các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ, song một vài điều khoản quan trọng ngăn chặn nước này phát triển khí hạt nhân sẽ hết hạn trong vòng 10 năm nữa. Phải mất nhiều năm Mỹ mới kêu gọi được toàn cầu đồng loạt trừng phạt Iran. Chính vì vậy, muốn tạo sức ép đó một lần nữa sau khi các điều khoản hết hạn phải mất tiếp một khoảng thời gian dài, thậm chí là lâu hơn so với khoảng thời gian Iran cần để tái xây dựng chương trình hạt nhân.

Trường hợp trên tương tự như cách giải quyết với Triều Tiên. Theo giới phân tích, hiện Mỹ đang nắm trong tay đòn bẩy kinh tế và nên duy trì các biện pháp hiện giờ để yêu cầu một thỏa thuận lâu dài quy định Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và quay trở lại tham gia Hiệp ước Cấm Phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Điều thứ hai mà chính quyền Washington phải chú ý là xây dựng một thỏa thuận hạt nhân phải bao gồm các quy định hạn chế có thể kiểm tra được về tên lửa đạn đạo. Việc thêm điều kiện về tên lửa đạn đạo vào những giờ phút cuối trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã tạo nên những tình huống mơ hồ.

Quy định ràng buộc về tên lửa đạn đạo không được viết trong thỏa thuận, mà chỉ được nói tới trong Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bổ sung cho thỏa thuận. Về mặt ngoại giao, đó không phải là lệnh cấm rõ ràng và Iran không cảm thấy bắt buộc phải tuân theo. Kết quả dẫn tới các bên không tin tưởng nhau trong khi thực hiện cam kết thỏa thuận.

Đối với Triều Tiên, mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo nước này bao gồm các mối đe dọa tên lửa nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực và thậm chí là ngay cả nước Mỹ. Tên lửa đạn đạo là phần quan trọng trong kho vũ khí của Triều Tiên. Với sự phát triển nhanh một cách chóng mặt của chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên, các quả tên lửa này cần phải bị hạn chế cả về mặt số lượng lẫn chất lượng, được quy định rõ ràng trong thỏa thuận sắp tới nếu có và phải kiểm tra được kết quả thực hiện.

Điều thứ ba mà chính quyền Tổng thống Trump cần phải thay đổi trong việc tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân lần này với Triều Tiên là thỏa thuận phải được Quốc hội thông qua. Một thỏa thuận với Triều Tiên cần sự ủng hộ từ trong nước, và điều đó chỉ có thể thành công khi Quốc hội chấp thuận.

Thứ tư, theo Defense News, là trong đàm phán lần này, Mỹ hãy để Trung Quốc nắm lấy “củ cà rốt”, trong khi mình vẫn giữ “cây gậy”. Như những gì thực tế chứng minh, trong thỏa thuận Iran, Mỹ làm công việc áp đặt lệnh trừng phạt lên chính quyền Iran tốt hơn là gỡ bỏ nó và cung cấp các lợi ích kinh tế.

Trong khi Mỹ vẫn sẽ có những trách nhiệm cụ thể để thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận một khi thương lượng xong, song trách nhiệm đòn bẩy kinh tế dài hạn nên chuyển cho Trung Quốc. Lý do là vì nước này có nhiều điều kiện để tạo lợi ích cho Triều Tiên: đảm bảo an ninh, đầu tư về công nghiệp và cơ sở hạ tầng, mở đường để Triều Tiên có thể gia nhập sáng kiến “Vành đai và Con đường”…

Cuối cùng, Mỹ cần phải nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh. Mặc dù trong lần thỏa thuận với Iran, một thành tựu đáng kể mà Mỹ nhận được là sự ủng hộ từ Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc, song những nước đồng minh trong khu vực như Israel và Saudi Arabia lại luôn lên tiếng phản đối. Do không có sự ủng hộ từ khu vực, điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đề cập, đã phần nào khiến cho thỏa thuận gặp tranh cãi khi Mỹ không thực hiện đúng như cam kết.

Video Tổng thống Trump xác nhận đang đàm phán cấp cao với Triều Tiên: (Nguồn The Guardian)



Hồng Hạnh/Báo Tin tức