07:20 16/07/2020

48 năm tù cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển ngà voi và tê tê trái phép

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, ngày 16/7, có 4 bị cáo đã bị xét xử trong 2 phiên tòa tại Hà Nội và Hưng Yên với tổng hình phạt lên tới 48 năm tù cho các bị cáo.

Trong đó, 2 bị cáo cùng lĩnh án 11 năm tù, 1 bị cáo 10 năm tù và 1 bị cáo 16 năm tù với các tội danh “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Cụ thể, sáng 16/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1982, trú Cầu Giấy, Hà Nội); Dương Văn Phong (sinh năm 1980, trú xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1991, trú huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Nam và Dương Văn Phong bị tuyên phạt 11 năm tù giam và bị cáo Nguyễn Văn Hưng nhận mức án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là các đối tượng liên quan trong vụ án vận chuyển trái phép 204 kg ngà voi bị phát hiện ngày 30/9/2019 tại Hà Nội. Đặc biệt, Nguyễn Văn Nam hay còn gọi là Nam Béo, được biết đến là một trong những “ông trùm” có vai trò lớn trong đường dây vận chuyển, buôn bán ngà voi và sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam.

Cùng ngày, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Đình Hồng (sinh năm 1989, trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) 11 năm tù giam về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và 5 năm tù về tội "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Khoản 1, Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015. Tổng hợp hình phạt, đối tượng nhận án 16 năm tù. Trước đó, đối tượng bị phát hiện trên đường vận chuyển 116 cá thể tê tê qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Lâu nay, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép được coi là ngành nghề kinh doanh “siêu lợi nhuận” nên nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật để buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, thậm chí thiết lập những đường dây xuyên quốc gia chuyên trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã từ các quốc gia khác về Việt Nam và ngược lại. Trong bối cảnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã nâng mức hình phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã lên đến 15 năm tù giam, so với mức 7 năm tù giam theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999 để đảm bảo ý nghĩa răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. Phát huy tinh thần của Bộ luật Hình sự mới, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên liên tiếp ghi nhận những hình phạt tù giam nghiêm khắc với các đối tượng tội phạm về động vật hoang dã mà những bản án này là ví dụ điển hình.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên chia sẻ: Những bản án nghiêm minh của pháp luật dành cho các đối tượng đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc xử lý loại tội phạm này. Đây cũng chính là lời cảnh báo để các đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ động vật hoang dã từ bỏ hoạt động trái pháp luật.

“Trong bối cảnh này, công tác đấu tranh, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép không chỉ nhằm bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ cuộc sống của con người. Công tác này đòi hỏi sự cam kết, vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật cũng như cả cộng đồng. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tin rằng, với sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, có thể ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp”, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh.

 Diệu Thúy (TTXVN)