04:10 25/04/2012

45 năm ngành châm cứu Việt Nam

Ngày 24/4, Hội Châm cứu Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển ngành châm cứu Việt Nam (1967 - 2012).

Ngày 24/4, Hội Châm cứu Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm xây dựng và phát triển ngành châm cứu Việt Nam (1967 - 2012). Đến dự có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim, cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Châm cứu Việt Nam có lịch sử lâu đời, từ thời đại các vua Hùng. Trong nhiều năm qua, châm cứu đã giải quyết được rất nhiều chứng bệnh; thậm chí châm cứu có thể làm cho bệnh nhân mặc dù tỉnh táo vẫn chịu đựng được những ca phẫu thuật như: cưa xẻ lồng ngực, đục sọ não. Năm 2007, ngành châm cứu Việt Nam đã thực hiện ứng dụng châm tê mổ thành công cho gần 100.000 ca gồm 60 loại phẫu thuật. Tất cả các ca mổ bằng châm tê đã được tiến hành ở nhiều tỉnh, thành phố phục vụ tốt trong nhân dân cũng như trong quân đội. Các nhà châm cứu Việt Nam mà điển hình là Anh hùng Lao động, Gs Nguyễn Tài Thu đã đạt được những thành công lớn được thế giới ngưỡng mộ trong 2 lĩnh vực đặc biệt là: châm tê để mổ và châm cứu chữa một số bệnh hiểm nghèo (liệt nửa người, liệt toàn thân, câm, điếc...). Trong châm tê để mổ, bệnh nhân không phải dùng thuốc mê, hoàn toàn tỉnh táo mà không đau; biến đổi về sinh lý của cơ thể người bệnh không đáng kể nên trạng thái sức khỏe chóng phục hồi. Bên cạnh đó, phương pháp này sử dụng phương tiện kỹ thuật đơn giản, ít tốn tiền nên dễ phát triển rộng rãi, nhất là ở những nơi xa tỉnh, thành phố, nơi biên giới, hải đảo có nhiều khó khăn về phương tiện và cơ sở vật chất.


Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: Phong Anh.


Được thành lập từ năm 1968, Hội Châm cứu Việt Nam đã được Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới (WFAS) đánh giá là 1 trong 5 Hội Châm cứu tiêu biểu trên thế giới. Hiện Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam có tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành trong cả nước với 27.800 hội viên. Năm 2011, Hội đã điều trị miễn phí cho hơn 10 triệu lượt người nghèo, bệnh nhân nặng với số tiền giúp bệnh nhân là 104 triệu đồng/năm. Hội đã thực hiện nghiên cứu 3 nhóm đề tài khoa học cấp nhà nước và 7 đề tài khoa học cấp bộ. Đồng thời, Hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho các bác sỹ từ trung ương đến các tỉnh. Gần nửa thế kỷ qua, Châm cứu Việt Nam đã trở thành một nền châm cứu có tính chất hiện đại kết hợp hai nền y học Đông y và Tây y với kỹ thuật ứng dụng máy móc trong chẩn đoán, điều trị theo phương pháp định lượng. Thời gian tới, Hội Châm cứu Việt Nam phối hợp với các tổ chức khác trong ngành như: Bệnh viện y học dân tộc, Bệnh viện Châm cứu, Trung tâm Châm cứu... tổ chức nhiều lớp học để tăng cường chuyên môn nghiệp vụ cho các y, bác sỹ; tiếp tục khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo; đồng thời, đề nghị với ngành y tế và giáo dục cấp giấy phép hành nghề cho các Hội viên Hội Châm cứu đã theo học các lớp của Hội.../.


Nhật Minh