04:08 24/04/2015

40 năm trước, các báo nước ngoài viết về Việt Nam

Ngay trong ngày 30/4/1975 và những ngày sau đó, hàng loạt đài, báo quốc tế đã tới tấp và long trọng đưa tin về chiến thắng của quân và dân ta, để vừa hòa mình vào niềm vui lớn của nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện niềm cảm phục đối với một dân tộc anh hùng.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4, là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Sự kiện vang dội này đã làm chấn động dư luận trên toàn thế giới.

Ngay trong ngày 30/4/1975 và những ngày sau đó, hàng loạt đài, báo quốc tế đã tới tấp và long trọng đưa tin về chiến thắng của quân và dân ta, để vừa hòa mình vào niềm vui lớn của nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện niềm cảm phục đối với một dân tộc anh hùng.

Trên một vạn người Mỹ đi bộ về Washington và mít-tinh biểu tình phản đối Chính phủ, đòi rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam.



Phóng viên hãng Reuters ngày 30/4/1975, viết:

Là phóng viên duy nhất có mặt tại khu vực “phủ tổng thống”, tôi đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu (của Quân giải phóng) húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ (ngụy) rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần mười xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực “phủ tổng thống”. Lính gác nam Việt Nam (quân ngụy) lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ chính phủ Cách mạng lâm thời tung bay trong khí thế chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên mái nhà. Trong khi Quân giải phóng đến chiếm “phủ tổng thống” vẫy cờ, các cỗ súng trên các xe tăng gầm lên và quân lính nổ súng chào mừng…

Nhân dân Hà Lan biểu tình với khẩu hiệu đòi hòa bình ở Việt Nam, phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam.



Phóng viên hãng AFP ngày 30/4/1975 đưa tin:

Mang súng AK 47, các chiến sĩ Quân giải phóng nhẹ nhàng, lặng lẽ tới chiếm lĩnh tất cả các vị trí chung quanh “phủ tổng thống”. Nhân dân đứng chật trên các đường phố vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt khi các đoàn xe chở Quân giải phóng đi qua. Những binh sĩ còn mặc quân phục quân ngụy cũng vỗ tay hoan nghênh.

Vào lúc 13 giờ, việc đi lại ở trung tâm Sài Gòn vẫn tiếp tục không có trở ngại gì. Đối với những người dừng lại hỏi các chiến sĩ Quân giải phóng rằng liệu có thể đi lại tự do được không, các chiến sĩ của Mặt trận Giải phóng mỉm cười trả lời: “Được!”

Mang súng AK 47, những người lính trẻ của Mặt trận giải phóng, chân đi dép cao-su này lập tức được nhân dân hân hoan từ các nhà trong phố đổ xô ra vây quanh. Họ cười một cách hồn nhiên, họ bắt tay những người lính trẻ này bằng cả hai tay và vỗ vai các chiến sĩ hết sức nồng nhiệt. Lúc 2 giờ chiều ngày 30/4, Quân giải phóng đã tiến vào Chợ Lớn và được dân chúng hoan hô nhiệt liệt.

Nhân dân Canada biểu tình trước sứ quán Anh yêu cầu lãnh đạo các nước đang tham gia Hội nghị của khối Liên hiệp Anh phải đấu tranh tích cực cho hòa bình ở Việt Nam.



Phóng viên AP ngày 30/4/1975 viết:

Hôm nay, chính phủ Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện Việt Cộng, chấm dứt 30 năm đổ máu. Hàng đoàn lính mệt mỏi đã ra khỏi những vị trí phòng thủ trong thành phố và tiến về những vị trí trung tâm để nộp vũ khí.

Phóng viên UPI ngày 30/4/1975 viết:

Quân đội Cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào “Phủ tổng thống” ở Sài Gòn hôm nay và hô lớn “đồng chí” đối với những người đứng đông bên đường và các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản.

Ba lá cờ trắng được kéo lên sở chỉ huy cảnh sát một lúc sau khi Tổng thống (ngụy) nói trên đài. Nhiều cờ trắng khác cũng treo lên ở ngoại ô phía bắc Sài Gòn.

Dân chúng đi lại bình thường trên đường phố. Cờ của Việt Cộng đã xuất hiện trên các khối nhà. Lính Việt Cộng đi lại trên đường phố chính. Nhân dân địa phương tươi cười vây quanh họ, bắt tay họ…

Thông tấn xã Liên Xô (trước đây) ngày 30/4/1975, đưa tin:

Các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng tiến vào Sài Gòn được nhân dân thành phố nhiệt liệt hoan nghênh. Sự sụp đổ của ngụy quyền miền Nam Việt Nam là “thắng lợi lịch sử” của nhân dân Việt Nam.

Tờ Thời báo New York ngày 1/5/1975 cho in những chữ “Đầu hàng” thành một tiêu đề lớn chạy suốt 8 cột trên trang 1. Tiếp đó là hàng loạt tin, ảnh về chiến thắng của các lực lượng Cách mạng vừa giải phóng thành phố Sài Gòn.

Tờ Thời báo Los Angeles viết:


Người Mỹ đã ra đi, người nam Việt Nam (tức ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam.

Tờ tin điện New York ngày 1/5/1975 viết:


Việc Mỹ dính líu ở Việt Nam là “Sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ” và đó là “một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ”.

Tối 1/5, hầu hết các chương trình ba hệ thống truyền hình Mỹ đều chiếu những đoạn phim về cuộc “di tản” của người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4, và đưa các tin về sự kết liễu của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” và sự ra đời của chế độ mới ở Sài Gòn.

Ngày 3/5, tờ Paris hàng ngày viết:

Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đổi thay. Di chúc của Bác Hồ - Người đã từ trần 6 năm, đang trở thành hiện thực. Con người ấy không những đã cổ vũ cuộc kháng chiến của Việt Nam mà còn đã huy động thanh niên thế giới xông vào hàng rào sắt của Nhà trắng, cổ vũ thanh niên Anh ở quảng trường Trafalga, thanh niên Paris hoặc Washington hô những khẩu hiệu: “Hồ…Hồ…Hồ Chí Minh!” Con người ấy thế là đã thắng trong cuộc chống xâm lược…

Hãng AP ngày 3/5/1975 viết:

Có lẽ một bài học có thể rút ra được từ cuộc chiến tranh Việt Nam là không thể vừa có bo bo (hạt lúa mì), vừa có súng trong thời gian dài, trong khi chỉ có tiền để chi cho một trong hai thứ…

Báo Granma (Cơ quan của Đảng CS Cu Ba) ngày 3/5/1975 viết:

Bác Hồ không sống được đến giờ phút lịch sử này của nhân dân Việt Nam nhưng cố gắng của Người, sự lãnh đạo và di sản tư tưởng của Người là linh hồn của thắng lợi… Ngọn cờ chiến thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ vĩnh viễn tồn tại như nhân dân và núi sông của Tổ quốc Người”.

Văn Lợi (Tổng hợp)