08:06 26/08/2020

4 kỳ Đại hội đảng gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ

Xướng được tên một ứng cử viên duy nhất tại Đại hội toàn quốc đảng là một dấu mốc quan trọng trên đường đua tới Nhà Trắng. Nhưng không phải kỳ đại hội nào của đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cũng suôn sẻ như vậy.

Chú thích ảnh
Bầu không khí căng thẳng tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 1968 ở Chicago. Ảnh: Getty Images

Những kỳ đại hội đảng toàn quốc tại Mỹ vốn là sự kiện hào nhoáng và hiếm khi trở nên kịch tính. Lần cuối cùng đảng Dân chủ đối mặt với một cuộc chạy đua đề cử sít sao là vào năm 1980, khi ứng cử viên Jimmy Carter loại Ted Kennedy trong gang tấc để giành được đề cử của đảng. Với những người Cộng hòa, năm 1976 là lần gần đây nhất có một đại biểu “ngã ngửa” khi tỉ lệ ủng hộ ông Ronald Reagan tăng đột biến nhưng cuối cùng lại thua trước Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford.

Đại hội đầu tiên bầu đề cử tổng thống của đảng Dân chủ là vào năm 1832, khi Andrew Jackson được chỉ định là ứng cử viên chính thức. Đại hội đầu tiên của Đảng Cộng hòa diễn ra vào năm 1856, với Thượng nghị sĩ John Fremont giành được đề cử.

Một kỳ đại hội có tranh chấp thường diễn ra khi các cuộc bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín ở cấp tiểu bang không đi đến việc một ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại biểu trước đại hội. Khi đó sẽ bắt đầu những cuộc thương lượng kín và sự xuất hiện của các ứng cử viên “ngựa ô”.

Lịch sử đã chứng minh rằng việc có một ứng cử viên duy nhất vào thời điểm diễn ra đại hội là bước đệm quan trọng cho chiến thắng. Trong khi đó, những ứng cử viên giành được đề cử của đảng sau nhiều lần bỏ phiếu tại đại hội hiếm khi thắng cử tổng thống.

Dưới đây 4 kỳ đại hội gây tranh cãi nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ:

Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 1860

Đại hội đảng Dân chủ họp tại Charleston, Nam Carolina, ngày 23/4/1860. Đây là sự kiện quan trọng dẫn đến cuộc Nội chiến nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 1860

Trong bối cảnh chế độ nô lệ đang chia rẽ đất nước, Đại hội đảng Dân chủ năm 1860 đã chứng kiến các thành viên bị chia rẽ làm hai và kết thúc với việc các đại biểu miền Nam bỏ khỏi phòng họp.

Vài tháng sau, các đảng viên Dân chủ miền Nam nhóm họp và đề cử John C. Breckenridge, Hạ nghị sĩ bang Kentucky, người từng làm Phó tổng thống cho Tổng thống James Buchanan và ủng hộ miền Nam ly khai. Trong khi đó, Đảng Dân chủ miền Bắc bỏ phiếu cho Thượng nghị sĩ Illinois, Stephen Douglas, người ủng hộ luật Kansas-Nebraska, đạo luật trao cho hai bang này chủ quyền trong việc quyết định có cho phép chế độ nô lệ hay không.

Nghị sĩ bang Illinois Douglas cuối cùng giành được đề cử của đảng Dân chủ trong lần bỏ phiếu thứ ba. Ngoài đối thủ là hai ứng cử viên Đảng Dân chủ, ông còn phải đối mặt với ứng cử viên thứ tư, Tennessean John Bell, cựu Chủ tịch Hạ viện, người tranh cử tấm vé với danh nghĩa Đảng Liên minh Hiến pháp. Tuy vậy, trong cuộc đua song mã với đối thủ đảng Cộng hòa, ông Douglas sau đó thất bại trước ứng cử viên Abraham Lincoln.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 1924

Tại kỳ Đại hội gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ và chắc chắn là kéo dài nhất này, Hạ nghị sĩ bang Tây Virginia, John W. Davis cuối cùng đã giành được đề cử của đảng sau 103 lần bỏ phiếu trong 17 ngày ở New York.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Andrew C. Erwin lên án băng đảng Ku Klux Klan (3K) tại Đại hội đảng Dân chủ năm 1924 và được đám đông hưởng ứng. Ảnh: Getty Images

Tờ New York Times cho biết: “Vào ngày thứ hai của sự kiện đó, các cuộc đối đầu căng thẳng đến mức 13.000 khán giả đã phỉ nhổ vào các đại biểu – những người cũng đang la hét, chế giễu và xỉa xói tay vào nhau”. "Vào thời điểm ông Davis được đề cử, hơn 100 đại biểu đã thu dọn hành lý trở về nhà, hết sạch tiền bạc, sự kiên nhẫn và năng lượng”.

Davis là một “chú ngựa ô” được giới thiệu vào vòng bỏ phiếu đề cử như một sự thỏa hiệp sau khi không ai trong hai ứng viên gồm  Thống đốc New York Alfred E. Smith và William G. McAdoo có thể giành được 2/3 đa số cần thiết. Kết cục Davis đã thua nặng nề trước đối thủ đảng Cộng hòa Calvin Coolidge ở cuộc bầu cử tổng thống năm đó.

Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm 1964

Chú thích ảnh
Các thành viên 3K ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Barry Goldwater tại Đại hội đảng Cộng hòa ở San Francisco, California. Ảnh: Getty Images

Trong một cuộc đụng độ giữa phe bảo thủ và ôn hòa trong đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ bang Arizona Barry Goldwater đã vượt qua Thống đốc New York Nelson Rockefeller ở vòng bầu cử sơ bộ. Nhưng Goldwater vẫn e ngại về tổng số đại biểu cần thiết để giành dứt khoát đề cử của đảng tại đại hội ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Với sự ủng hộ của cựu Tổng thống Dwight Eisenhower, cùng ứng cử viên thất bại Rockefeller,
Thống đốc bang Pennsylvania, William Scranton đã nhảy vào cuộc đua ở phút chót, giành giật đề cử với Goldwater.

Chỉ một tháng trước Đại hội, Goldwater là 1 trong 6 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống lại Đạo luật Nhân quyền. Phong trào “Hãy chặn Goldwater” được người phản đối ông phát động ngay sau đó, với thành viên là những người ôn hòa ủng hộ Scranton. Phong trào này tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống Goldwater ngay bên ngoài Đại hội. Cuộc biểu tình tại San Francisco có lúc thu hút tới 40.000 người.

Mặc dù vậy, Goldwater vẫn được sự ủng hộ từ các đại biểu và thắng Scranton để giành đề cử của đảng. Nhưng sau đó, ông ta thua trước ứng cử viên Dân chủ Lyndon Johnson trong một thất bại bầu cử lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 1968

Đối mặt với thách thức lớn từ Robert F. Kennedy và làn sóng biểu tình phản đối cuộc Chiến tranh Việt Nam, Tổng thống đương nhiệm Lyndon B. Johnson thông báo ông từ bỏ cuộc đua và sẽ không tái tranh cử nữa. Kết hợp với một năm đầy những bất ổn dân sự và các vụ ám sát Martin Luther King, Kennedy, sân khấu đã được dựng lên cho một kỳ Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ đầy tranh cãi ở Chicago. Trước đó, ứng cử viên tiềm năng Robert Kennedy bị ám sát sau khi có bài phát biểu chiến thắng tại cuộc bầu cử sơ bộ bang California vào 4/6.

Chú thích ảnh
Hội trường Đại hội đảng Dân chủ năm 1968.

Sau cái chết của Kennedy, ứng cử viên phản chiến, Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy của tiểu bang Minnesota phải đối mặt với Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, người vừa nhảy vào cuộc đua sau khi Tổng thống đương nhiệm Johnson rút lui, và tiếp nối cương lĩnh của Johnson về cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Dù không tham gia bất cứ cuộc tranh cử sơ bộ nào, Humphrey được thừa hưởng những lá phiếu đại biểu đã cam kết ủng hộ ông Johnson, trong khi các đại biểu của cố TNS Kennedy được phân chia giữa TNS McCarthy và TNS George McGovern của bang Nam Dakota.

Humphrey giành được đề cử ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhiều hơn gấp đôi số phiếu của ứng viên đứng thứ hai McCarthy nhưng khi đó các đại biểu và công chúng chẳng mấy quan tâm đến thủ tục bỏ phiếu, mà chỉ chú ý đến các bản tin truyền hình và phát thanh về làn sóng bạo lực lan rộng trên đường phố Chicago.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Chicago và người biểu tình đụng độ bên ngoài Đại hội đảng Dân chủ năm 1968.  Ảnh: HERALD & REVIEW

Bên ngoài Đại hội, ước tính có khoảng 10.000 người biểu tình đã xuống đường, đụng độ với 12.000 cảnh sát Chicago, cộng thêm các lực lượng quân đội, Vệ binh quốc gia và mật vụ. Khung cảnh hỗn loạn thậm chí diễn ra ngay bên trong Hội trường Đại hội.

Cuối cùng ông Humphrey giành được đề cử, cùng Thượng nghị sĩ Edmund Muskie là liên danh phó tổng thống. Tuy nhiên chiến thắng này không có gì vinh quang để ăn mừng. Mọi ảo tưởng về sự thống nhất trong Đảng Dân chủ đều tan vỡ. Ngay sau khi Humphrey giành đề cử, nhiều đại biểu phản chiến đã đoàn kết với người biểu tình và tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến.

Ngày hôm sau, người biểu tình và hàng trăm đại biểu phản chiến tìm cách tiếp cận Nhà hát Vòng tròn nơi diễn ra Đại hội một lần nữa nhưng bị ngăn cản bằng hơi cay. Vào nửa đêm ngày 29/8/1968, kỳ Đại hội toàn quốc đổ máu và đầy tranh cãi của đảng Dân chủ chính thức kết thúc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)