01:13 18/01/2018

35 trạm thu phí BOT đã thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện

Đến thời điểm này, đã có 35 trạm thu phí BOT đã thực hiện giảm giá vé cho phương tiện theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Đây là thông tin được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức ngày 18/1. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo Bộ GTVT. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hết năm 2017, Bộ GTVT đã thẩm tra, chấp thuận quyết toán 55 dự án BOT, BT đã hoàn thành; hiện đã có 35 dự án BOT tiến hành giảm giá theo Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ. Giá trị quyết toán các dự án BOT sẽ là một trong những cơ sở để điều chỉnh phương án tài chính, giảm thời gian thu phí của các dự án trong năm 2018.

Đặc biệt ngày từ đầu năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có công điện gửi các Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư BOT có dự án đang khai thác về tăng cường công tác đảm bảo ATGT và nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT đã đưa vào khai thác.

Theo đó, các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT, nhà đầu tư quản lý đường BOT, các doanh nghiệp dự án và các Ban Quản lý dự án phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan về công tác đảm bảo ATGT; sửa chữa kịp thời các hư hỏng trong thời gian khai thác (bao gồm cả giai đoạn bảo hành); nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Trường hợp công trình BOT hư hỏng, ảnh hưởng đến ATGT, chất lượng bảo trì mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã bị nhắc nhở nhưng không sửa chữa khắc phục hoặc sửa chữa chậm gây mất ATGT, các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT báo cáo và đề xuất Tổng cục dừng thu giá sử dụng dịch vụ tại các trạm BOT.

Nhiều trạm thu giá BOT giao thông gây bức xúc dư luận vì mức thu cao. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành GTVT là kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Năm 2017, công tác quản lý vận tải, bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ,  góp phần kéo giảm TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, bất cập tại nhiều dự án BOT và số vụ TNGT nghiêm trọng vẫn gia tăng, gây bức xúc dư luận về công tác quản lý của ngành GTVT. 

Vì vậy, năm 2018, Bộ GTVT xác định là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, với phương châm hành động “Siết chặt kỷ cương, chung tay xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, hiệu quả”, trong đó sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các bất cập về hạ tầng giao thông. 

Năm 2017, hàng loạt các dự án trọng điểm như: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; Cầu Hưng Hà, Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hầm Đèo Cả, Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông… đã cơ bản hoàn thành góp nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, năm 2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, làm bị thương 17.040 người. So với năm 2016, giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 người bị thương (giảm 11,62%). Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Tuy nhiên, số vụ TNGT nghiêm trọng vẫn tăng cao.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành trong năm 2018 cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, đảm bảo ATGT, đẩy mạnh tuyên truyền chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, tập trung vào các nguy cơ cao gây TNGT, nhằm giảm thiểu các vụ TNGT nghiêm trọng.

Đăng Sơn/Báo Tin tức