07:13 28/07/2025

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Chất xúc tác cho sự đổi mới của khối

Việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tự thân là một dấu mốc quan trọng và đáng kể trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, trong hành trình trở thành một khu vực hòa bình, an ninh và đoàn kết.

Giáo sư Ruhanas Harun - Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM) - nhận định như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur về những đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với ASEAN trong 30 năm qua. Theo bà, đây cũng là một bước tiến lớn hướng tới sự mở rộng của ASEAN và việc Việt Nam gia nhập ASEAN thực sự là chất xúc tác cho sự mở rộng này. 

Chú thích ảnh
Giáo sư Ruhanas Harun - Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM) trả lời phỏng vấn TTXVN tại Malaysia. Ảnh: Hằng Linh/PV TTXVN tại Malaysia

Giáo sư Ruhanas cho rằng việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN đã tạo điều kiện cho các quốc gia khác như Lào, Campuchia và Myanmar gia nhập khối và đây chính là đóng góp nổi bật nhất. Sự kiện Việt Nam đăng cai hội nghị cấp cao năm 1998 khi là thành viên mới sau 3 năm gia nhập mái nhà chung ASEAN cũng đã thể hiện vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Đây là một sự kiện rất lớn, thể hiện đóng góp to lớn của Việt Nam cho ASEAN với Kế hoạch hành động Hà Nội năm 1998. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tham gia vào tất cả các cuộc họp, các hội nghị cấp cao, giúp củng cố cơ chế ASEAN. Giáo sư Ruhanas đánh giá đó là những đóng góp cụ thể, trực tiếp bên cạnh những đóng góp gián tiếp như xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia thành viên. Những đóng góp kể trên của Việt Nam là không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng.

Đề cập những cơ hội mà tư cách thành viên ASEAN mang lại cho Việt Nam, Giáo sư Ruhanas cho rằng cần xem xét ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Trong đó, trụ cột thứ hai là Cộng đồng Kinh tế ASEAN có lẽ là trụ cột khó đạt được nhất trong ngắn hạn bởi vì các thành viên ASEAN có mức độ tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế khác nhau.

Giáo sư lấy ví dụ, trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, Malaysia đã nhập khẩu gạo chủ yếu từ Thái Lan. Nhưng ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo của thế giới, chỉ sau Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác. Nhiều thương gia Malaysia đã đến Thành phố Hồ Chí Minh để mua các sản phẩm dệt may… mang lại cơ hội rất lớn cho các tương tác kinh tế.

Trong 30 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã có được nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế. Để nền kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập sâu hơn trong ASEAN, Giáo sư Ruhanas cho rằng cần cân nhắc các yếu tố sau: Thứ nhất là mức độ phát triển kinh tế khác nhau, và sự nỗ lực của các quốc gia để đạt gần một mức chung cho toàn khối. Thứ hai, cần xem xét những yếu tố bên ngoài có thể gây trở ngại cho quá trình phát triển kinh tế hoặc hội nhập hiện nay, ví dụ chính sách thuế quan của Mỹ.

Theo Giáo sư Ruhanas, ASEAN có thể giúp các nước thành viên khác học hỏi từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khoảng thời gian đó, dù đã có thể hội nhập vào nền kinh tế thị trường, nhưng Việt Nam rất thận trọng để không phải hy sinh hay khuất phục trước những áp lực từ bên ngoài, bởi chính sách phát triển riêng nhằm mang lại cho người dân một mức độ phúc lợi nhất định. Đơn cử như việc Việt Nam đã làm tốt trong việc vừa duy trì chính sách nông nghiệp, canh tác lúa bền vững, vừa đi đôi với phát triển đô thị.

Hằng Linh - Bùi Hoàn - Viên Luyến (TTXVN)