11:14 17/11/2020

30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. Năm 2020 là dịp kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (1990-2020).

Kể từ người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm ứng phó với HIV/AIDS. Đó cũng là lý do Tháng hành động năm nay tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 là dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại thành quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong 30 năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý báu.

Theo Ban tổ chức, Tháng hành động năm nay có nhiều hoạt động thiết thực với điểm nhấn là Hội nghị Tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam kết hợp mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Có khoảng 300 đại biểu khách mời dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Trong Tháng hành động, ngành chức năng tổ chức tặng quà cho trẻ em nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội).

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin về quá trình phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là các sự kiện nổi bật trong năm 2020. Trong đó,  đáng chú ý là dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm; dịch vụ xét nghiệm HIV được mở rộng và đa dạng hơn, góp phần phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm… Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS đã được tăng cường; công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có 52.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao….

Chú thích ảnh
Những bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) được khám, cấp thuốc ARV từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bên cạnh đó, việc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tốt. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt, hiện có hơn 153.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi; xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm quan hệ đồng giới nam đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có nhiều sự thay đổi, thiếu tại các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh, huyện do việc thành lập, sát nhập Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Một số cán bộ đã được các chương trình, dự án HIV/AIDS đào tạo nay chuyển công tác khác. Việc khó khăn về tài chính cũng gây trở ngại, thách thức lớn bởi kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2005 – 2020 chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Đến nay, nguồn kinh phí viện trợ đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt này. 

Về Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được hiểu là số ca nhiễm HIV mới được phát hiện ít hơn 1.000 người/năm; tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS ít hơn 1,0/100.000 dân; HIV/AIDS không còn là mối lo ngại về sức khỏe của cộng đồng. Để hướng tới mục tiêu đó, trước hết cần thực hiện mục tiêu 95 – 95 – 95 vào năm 2030 (95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV; 95% người nhiễm biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị, giám sát, theo dõi, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tài chính, đảm bảo nguồn nhân lực, cung ứng và hợp tác quốc tế...

Nam Thái (TTXVN)