09:13 28/09/2018

30 năm thu hút FDI: Thanh Hóa tận dụng thế và lực mới

Cơ sở hạ tầng thuận lợi với cảng biển nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân và mạng lưới đường bộ, đường sắt kết nối, có môi trường đầu tư thông thoáng cùng với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh... là những thuận lợi để Thanh Hóa thu hút vốn đầu tư FDI.

Chú thích ảnh
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thu hút được tổng nguồn vốn FDI lên đến 14,32 tỷ USD và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn này đã phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt trong những năm gần đây với thế và lực mới, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 93 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 14,32 tỷ USD. Riêng năm 2018 nguồn vốn FDI dự kiến đầu tư vào Thanh Hóa lên đến 554,42 triệu USD, bằng 73,3% kế hoạch.

Một số dự án lớn có sự lan tỏa như: dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I,  Nhà máy may Sakurai... Các dự án này đã đóng góp chủ yếu vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện Thanh Hóa đang có thế và lực mới là có cảng nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân, hạ tầng giao thông đồng bộ. Khi các doanh nghiệp có vốn FDI đầu tư vào Thanh Hóa cũng được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi, cũng như thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Khi đi vào hoạt động, đa số các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho 62.000 lao động, tạo nguồn thu cho Thanh Hóa trong năm 2018 dự kiến lên đến 13.000 tỷ đồng. Đồng thời, giúp lực lượng lao động Thanh Hóa  tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Đặc biệt khi doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Khi dự án đi vào hoạt động được miễn từ 11-15 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đó.

Khi làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn cũng được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án mới sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm,  miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo….

Với những điều kiện thuận lợi và các chính sách ưu đãi kể trên, khu kinh tế Nghi Sơn đang dẫn đầu và là trụ cột thu hút vốn FDI của tỉnh Thanh Hóa. Trong khu kinh tế này đã thu hút được 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 13,215 tỷ USD; trong đó, đã có 25 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 17 dự án còn lại đang triển khai xây dựng; vốn thực hiện lũy kế đến hết tháng 9/2018 đạt 9,741 tỷ USD. Phần lớn các dự án tại đây đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

Mới đi vào hoạt động được 3 tháng, nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn khu vực miền Bắc là dự án liên doanh giữa Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam và Tập đoàn Musim Mas (Singapore) có vốn đầu tư trên 71,5 triệu USD; trong đó, Tập đoàn Musim Mas chiếm 70% nguồn vốn đã cho ra 3 dòng sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam là dầu đậu nành Tiara, dầu thực vật Tiara và dầu thực vật Livvy. Nhà máy có công suất 1.500 tấn/ngày và là nhà máy sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam. Nhà máy cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Yong See Leng, Giám đốc nhà máy cho biết: "Chúng tôi chọn Nghi Sơn làm điểm đầu tư bởi nhận thấy đây có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, đặc biệt là hạ tầng tương đối đồng bộ với cảng nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân thuận lợi cho vận chuyển, giao thương. Khi đầu tư dự án vào khu vực này, Công ty chúng tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê đất trong 11 năm kể từ ngày vận hành và các chính sách ưu đãi khác về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa cũng như Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tạo điệu kiện thuận lợi, đồng hành cùng với chúng tôi trong quá trình xây dựng nhà máy cũng như vận hành đi vào hoạt động".

Cũng do hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hiện nay đã có 14 dự án FDI tại Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng quy mô công suất, điển hình như: Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy may Sakurai Việt Nam, Nhà máy sản xuất giầy xuất khẩu Sun Jade...

Trong thời gian tới Thanh Hóa ưu tiên thu hút các dự án FDI về sản xuất, chế biến thép, cao su, linh kiện điện tử, phụ kiện ngành may mặc, hóa chất… tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp Hoàng Long, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.125 triệu USD.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hóa cũng thu hút các dự án FDI về sản xuất vùng lúa chất lượng cao gắn với chế biến gạo, vùng nguyên liệu ngô gắn với chế biến, vùng rau củ quả chất lượng xuất khẩu, chế biến gia súc gia cầm… tại các địa bàn huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định... với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD.

Về lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ thu hút các dự án FDI về xây dựng khách sạn cao cấp tại các địa bàn thành phố Sầm Sơn, các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Thường Xuân, Cẩm Thủy với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.510 triệu USD. Lĩnh vực năng lượng, môi trường sẽ thu hút các dự án FDI về điện mặt trời, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch tại Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa và các huyện trong tỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút nguồn vốn FDI  trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Anh... Các doanh nghiệp nước ngoài chưa có sự liên kết với nhau trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm cũng như với khu vực kinh tế tư nhân trong nước; chưa thu hút được nhiều những dự án công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, sản xuất hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế thu hút mạnh mẽ dòng vốn này và lựa chọn phương án đầu tư có hiệu quả. Cùng đó, quảng bá và công bố rộng rãi các thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế bền vững; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các ưu đãi đầu tư, đảm bảo chất lượng có tính khả thi.

Thanh Hóa cũng tổ chức thực hiện tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các hoạt động đối ngoại đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI.

Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng (TTXVN)