01:19 13/01/2022

3 tuần trước Olympic Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc ở thời điểm bùng dịch khó khăn nhất

Chỉ 3 tuần trước khi đăng cai Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều đợt bùng phát COVID-19 ở khắp các tỉnh thành. Trong đó, thành phố gần thủ đô nhất đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Chú thích ảnh
Đôn Đôn - Linh vật của Thế vận hội mùa đông 2022 (bên trái) tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, với quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội Mùa đông và thể hiện uy tín của quốc gia trên trường quốc tế, Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực thực hiện chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19. Trên khắp đất nước, 20 triệu dân đã bị phong toả để tránh lây lan virus.

Mặc dù không áp đặt lệnh phong toả hoàn toàn như ở Tây An, Thiên Tân - thành phố chỉ cách Bắc Kinh khoàng 1 giờ đi xe - đang trong tình trạng báo động cao. Giới chức đã hạn chế đi lại ở một số cộng đồng dân cư, đóng cửa các trường đại học, huỷ các chuyến bay, tạm dừng dịch vụ tàu cao tốc. Những người rời khỏi thành phố được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính và phải được chính quyền hoặc doanh nghiệp cho phép. Thiên Tân cũng đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt lần thứ 2 cho 14 triệu dân vào hôm 12/1 và yêu cầu họ không ra khỏi nhà cho đến khi nhận được kết quả âm tính.

Đến ngày 13/1, giới chức đã phát hiện ít nhất 1 ca nhiễm biến thể Omicron tại Đại Liên, thành phố cảng 7 triệu dân thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Cảng Đại Liên và Thiên Tân của Trung Quốc nằm trong số 20 cảng lớn nhất trên thế giới. Như vậy, đến nay biến thể Omicron đã được phát hiện ở thành phố Thiên Tân, An Dương (tỉnh Hà Nam) và Đại Liên. Nhà chức trách chưa công bố tổng cộng có bao nhiêu ca mắc Omicron.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên thay mặt những cư dân bị cách ly tại nhà nhận nhu yếu phẩm hàng ngày tại hàng rào ở Tây An. Ảnh: AP

Khoảng cách quá gần giữa Thiên Tân và Bắc Kinh đang làm dấy lên lo ngại biến thể mới sẽ lây lan, ảnh hưởng đến việc tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra sự kiện thể thao này và dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Mặc dù vậy, các biện pháp hạn chế ở Thiên Tân vẫn còn tương đối lỏng.

Yu Xuan, nhân viên tại một trường đại học ở Thiên Tân, cho biết: “Mọi thứ đều vẫn ổn. Người dân vẫn có thể đến các siêu thị và nhà hàng bình thường”. Wang Dacheng, một cư dân khác, cho biết cha của anh, người gặp khó khăn trong việc đi lại, đã được xét nghiệm ngay tại nơi sinh sống của họ. Anh Wang nói: “Người dân Thiên Tân khá lạc quan, mọi người đều rất bình tĩnh và thận trọng”.

Ở những nơi khác, chẳng hạn Tây An và một số thành phố ở tỉnh Hà Nam, các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt hơn nhiều. Một số người dân đã phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ đang thiếu thực phẩm và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Trong bối cảnh đó, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu ở Thượng Hải đánh giá cuộc chiến chống biến thể Omicron của Trung Quốc đang ở thời điểm khó khăn nhất.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Thiên Tân hôm 12/1. Ảnh: AP

Trung Quốc đã theo đuổi chính sách “Không COVID-19” ngay từ khi đại dịch bùng phát, bắt đầu bằng động thái chưa từng có là phong tỏa 11 triệu dân ở thành phố Vũ Hán, cùng các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc vào tháng 1/2020. Thông qua việc phong toả, kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và truy vết tiếp xúc quyết liệt, nước này đã kiểm soát hiệu quả các đợt bùng dịch trong cộng đồng. Các biện pháp này cũng đã giúp Trung Quốc ngăn chặn virus lây lan tạo thành một đợt bùng phát toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc hiện đạt 85%.

Khi Thế vận hội Mùa đông 2022 sắp khai mạc vào ngày 4/2 tới và các vận động viên, nhân viên hỗ trợ đã đến Bắc Kinh, công tác phòng dịch COVID-19 hiện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng liệu các biện pháp phòng dịch của Bắc Kinh có ứng phó được với biến thể Omicron hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ.

Chú thích ảnh
Bên trong khu phát sóng dành cho khán giả Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Dali Yang, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, nhận định: “Tôi nghĩ đây thực sự là một điểm mấu chốt quan trọng đối với Trung Quốc. Họ có thể ngăn chặn Omicron không?”.

Ông Kenji Shibuya - Giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách, chuyên gia y tế công cộng của Tokyo Foundation – đã đánh giá cao việc thiết lập “bong bóng thế vận hội” của Bắc Kinh. Ông cho rằng so với thế vận hội mùa hè Tokyo, bong bóng khép kín này còn nghiêm ngặt hơn. Bong bóng thế vận hội Tokyo hầu như chỉ có hiệu quả trong việc ngăn virus lây lan, và vẫn làm virus rò rỉ ra bên ngoài.

Không giống như bong bóng Thế vận hội Tokyo, ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh đã tạo “vòng tròn khép kín”, không cho phép các vận động viên, nhân viên và quan chức bên trong tiếp xúc thế giới bên ngoài. Họ chỉ được di chuyển giữa các khách sạn và địa điểm thi đấu trên các phương tiện được chỉ định đặc biệt trong hệ thống khép kín. Người Trung Quốc sẽ phải cách ly trong 3 tuần sau khi rời khỏi bong bóng. Ngay cả rác bên trong bong bóng cũng sẽ được xử lý riêng. Giới chức cũng kêu gọi người dân Bắc Kinh tránh xa các đoàn xe của Thế vận hội, không đến gần ngay cả khi xảy ra tai nạn.

Nhưng so với Thế vận hội Tokyo, Thế vận hội Bắc Kinh phải đối mặt với nguy cơ bùng dịch tiềm ẩn lớn hơn khi diễn ra đúng thời điểm Omicron thống trị nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy biến thể dễ lây lan hơn này có khả năng né vaccine cao hơn. Tiến sĩ Vineeta Bal, nhà miễn dịch học hàng đầu của Ấn Độ, nhận định việc không xảy ra các đợt bùng phát lan rộng có nghĩa là người dân Trung Quốc mới chỉ được bảo vệ bằng vaccine, chứ không phải kháng thể tạo ra từ các lần mắc bệnh trước đó. Ông cho rằng “thế vận hội sẽ là bài thử nghiệm đầu tiên với Omicron”.

Chú thích ảnh
Người dân ở Thiên Tân xét nghiệm COVID-19. Ảnh: AP

Kei Saito, nhà virus học tại Đại học Tokyo, cho biết nếu được thực hiện nghiêm túc, các biện pháp này sẽ có thể ngăn chặn sự lây lan của virus trong “bong bóng Olympic”. Nhưng bên ngoài bong bóng, nó có thể là một câu chuyện khác. “Omicron có khả năng lây truyền cao gấp 3-4 lần so với Delta. Tôi nghĩ rằng dường như không thể kiểm soát sự lây lan của Omicron,” Saito nói.

Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu không có xu hướng giảm và những tranh cãi liên quan đến cuộc tẩy chay ngoại giao sự kiện này do Mỹ đứng đầu, ban tổ chức vẫn quyết tâm Thế vận hội sẽ tiếp tục diễn ra.

“Thế giới đang hướng mắt về Trung Quốc và Trung Quốc đã sẵn sàng”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiên quyết trong chuyến thị sát các địa điểm thi đấu vào tuần trước.

Hải Vân/Báo Tin tức