03:09 23/03/2019

3 năm triển khai Luật Khí tượng Thủy văn: Đảm bảo điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển

Luật Khí tượng Thủy văn có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Sau gần 3 năm triển khai, việc thực hiện Luật đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ, góp phần tạo ra thay đổi quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, đảm bảo điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội hiệu quả.

Luật ra đời và đưa vào triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh quốc gia.

Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn

Theo ông Nguyễn Trần Linh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 3 năm triển khai, thực hiện Luật, tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các Bộ đã ban hành được nhiều văn bản dưới Luật hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Khí tượng Thủy văn (cụ thể 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 1 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Chú thích ảnh
Hạn hán ở Ninh Thuận hồi tháng 3/2018. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Căn cứ các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy định chi tiết Luật, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn. Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai 10 nội dung trọng tâm có liên quan tới các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy định chi tiết Luật.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và pháp luật về khí tượng thủy văn; Lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng; Tổng hợp, báo cáo về hiện trạng các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng và hoạt động quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của các chủ công trình thuộc quyền quản lý.

"Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để triển khai hoạt động khí tượng thủy văn; bảo đảm ngân sách nhà nước cho các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của địa phương...", ông Nguyễn Trần Linh nhấn mạnh.                                      

Để triển khai và thực hiện Luật thiết thực, hiệu quả, ngày 8/5/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2285 đôn đốc việc lập danh mục công trình và tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn có văn bản đôn đốc từng chủ công trình khẩn trương có báo cáo về việc tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn, hướng dẫn khung Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, thành phố.

 Cùng với việc ban hành văn bản đôn đốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tham gia, phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai đối với những nội dung cụ thể có liên quan được quy định trong Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy định chi tiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với một số Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn.

Bộ hướng dẫn UBND thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Kon Tum, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Sóc Trăng, Đắk Nông, Tây Ninh, Tiền Giang… xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn các doanh nghiệp:Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định, các công ty cảng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Quảng Nam… thực hiện các quy định pháp luật về khí tượng thủy văn.

Công tác quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn đi vào nề nếp

Chú thích ảnh
Trạm quan trắc tác động vùng Tây Nam bộ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Ông Nguyễn Trần Linh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (trước 9/3/2018 là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã tổ chức kiểm tra, theo dõi thi hành Luật Khí tượng Thủy văn tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cao Bằng, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Định, Lạng Sơn, Quảng Bình, Bình Thuận… Bên cạnh đó là kiểm tra công tác chuyên môn khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai theo trách nhiệm quản lý của Bộ và Tổng cục.

Bên cạnh đó, một số tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái... đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn địa phương… Nhiều địa phương chủ yếu lồng ghép kiểm tra hoạt động khí tượng thủy văn trong kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai.

Tính đến hết năm 2018, cả nước đã có trên 30 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước ban hành các quy định quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn như Điện Biên, Cao Bằng, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Bình Định, Sóc Trăng, Quảng Bình, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau v.v... 46 tỉnh, thành phố và 2 Bộ có báo cáo và lập danh mục 389 công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, sau gần 3 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai đạt kết quả tích cực. Đặc biệt là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ nhằm thi hành các nội dung cụ thể của Luật đạt kết quả cả về số lượng và chất lượng của văn bản. Công tác quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn ở Trung ương và địa phương từng bước đi vào nề nếp, có đủ cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.

Các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ của khí tượng thủy văn từng bước được cụ thể hóa, quy định minh bạch, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, thực thi trên thực tế của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động khí tượng thủy văn đã từng bước đi vào cuộc sống, được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng ghi nhận về vai trò và hiệu quả của lĩnh vực thông qua hệ thống pháp luật.

Tuy vậy, hoạt động khí tượng thủy văn là hoạt động tương đối đặc thù, có tính kỹ thuật cao. Vì vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu; một số văn bản còn mang nặng về tính kỹ thuật, khó hiểu dẫn đến khó tiếp cận, thực thi đối với đối tượng ngoài ngành. Công tác đôn đốc, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật khí tượng thủy văn còn hạn chế ở cả cấp Trung ương và địa phương. Kinh phí dành cho hoạt động triển khai thi hành pháp luật khí tượng thủy văn ít; hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu mang tính đơn lẻ thông qua một số hội nghị phổ biến, tập huấn của địa phương.

Chú thích ảnh
Lắp đặt Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động ở Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Bên cạnh đó, một số nội dung cụ thể của Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản quy định  chi tiết Luật chưa được triển khai đầy đủ, chưa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khí tượng thủy văn tại địa phương còn chưa được chú trọng đúng mức. Hành lang pháp lý cho chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn  của chính quyền địa phương các cấp chưa bám sát, cụ thể hóa theo quy định của Luật khí tượng thủy văn và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thi hành Luật khí tượng thủy văn và các văn bản quy định chi tiết Luật, ông Trần Hồng Thái cho rằng, để tăng cường công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh của đất nước trước hết cần được coi đây là trách nhiệm và có sự tham gia, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội. Với trách nhiệm tham mưu, thực hiện công tác quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý thực hiện Luật Khí tượng Thủy văn và các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về xã hội hóa, dịch vụ, thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn; tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thi hành các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn; chú trọng tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan tới hoạt động khí tượng thủy văn.

Cùng với đó, Tổng cục tham mưu hướng dẫn hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với quản lý nhà nước lĩnh vực khí tượng thủy văn.

Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp liên quan tăng cường đầu tư các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng, đồng thời chia sẻ số liệu quan trắc được cho cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, sử dụng phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các hiện tượng thiên tai khí tượng thủy văn nguy hiểm, gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khí tượng thủy văn.

Thắng Trung (TTXVN)