04:16 22/04/2014

3 lý do Moldova có thể trở thành Ukraine tiếp theo

Bất kỳ sự leo thang bất ổn ở đông Ukraine có thể sẽ là mồi lửa thổi bùng căng thẳng tại khu vực Transnistria của Moldova và dẫn đến hành vi can thiệp từ cả Moskva và Kiev.

Bất kỳ sự leo thang bất ổn nào ở đông Ukraine có thể sẽ là mồi lửa thổi bùng căng thẳng tại khu vực Transnistria của Moldova và dẫn đến hành vi can thiệp từ cả Moskva lẫn Kiev.

Theo Sergey Markedonov, người đứng đầu Cơ quan Các vấn đề quan hệ dân tộc tại Viện Phân tích Chính trị và quân sự ở Moskva, đồng thời là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (CSIS), cho đến nay, tình hình tại Transnistria có vẻ như là một điểm nóng chính trị không quan trọng. Tháng 12/2011, cộng hòa ly khai này được dự báo là sẽ có sự thay đổi khi trong chính phủ, nhà lãnh đạo kỳ cựu, có uy tín, theo đường lối cứng rắn và không tin tưởng phương Tây, Igor Smirnov được thay thế bởi một lãnh đạo trẻ, năng động là ông Yevgeny Shevchuk. Kết quả là, nhiều chuyên gia và các nhà ngoại giao phương Tây bắt đầu nói về sự “tăng tốc” cho một giải pháp hòa bình ở Transnistria.

Lính biên phòng Ukraine canh gác ở một trạm kiểm soát ở biên giới với vùng ly khai vùng Transnistria của Moldova. Ảnh: Reuters


Tuy nhiên, những nhận định trên chỉ là sự đánh giá tình hình theo vẻ bề ngoài. Mặc dù luôn thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại với Moldova (mà Transnistria chính thức được coi là một phần của nước này), nhưng chính quyền mới của Transnistria đã không xem quá trình đó là một sự nhượng bộ đơn phương.

Hòa bình mà bỏ qua lợi ích của chính mình không phải là sự lựa chọn của Nga, nhà bảo trợ cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào về vấn đề Transnistria. Kết quả là, tình hình vẫn duy trì ở thế nguyên trạng mà không có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán trước đây.

Tất cả các những quan điểm chính thức của Nga về vấn đề này nhấn mạnh một điều rằng Transnistria, hay Cộng hòa Pridnestrovia Moldova (PMR), là một bên của cuộc xung đột, đồng thời không chỉ lợi ích của một lãnh thổ mà lợi ích "vùng đất ly khai" cũng phải được tôn trọng và tính đến khi thông qua một thỏa thuận hòa bình.

Nhưng cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, cũng như sự sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Nga đã làm hồi sinh mạnh mẽ về lời đề nghị của Transnistria yêu cầu Nga, LHQ công nhận vị thế chính trị của mình và không khó để nhận thấy lý do tại sao, ông Markedonov cho biết.

Đầu tiên, Ukraine đã không công nhận biên giới phía đông của PMR với chiều dài 405km. Điều đó có nghĩa rằng, ngoài Nga, Ukraine cũng là một bên bảo lãnh cho giải pháp hòa bình trong cuộc xung đột ở vùng lãnh thổ phía đông sông Dniester.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, chính phủ lâm thời tại Kiev bày tỏ lo ngại về việc sử dụng Transnistria như một nền tảng cho "các hành động ly khai" ở khu vực Odessa và đã có động thái đưa ra những hạn chế hành chính trên biên giới thực tế. Ví dụ, các đồn biên phòng trên biên giới của Ukraine đã ngừng cho phép lưu thông hàng hoá do hải quan Transnistria đề xuất. Ngoài ra, từ ngày 12/3, Bộ đội biên phòng Ukraine đã thắt chặt kiểm soát đối với việc thông qua việc nhập cảnh của các công dân Nga sinh sống tại Transnistria.

Hàng trăm công dân Nga, từ 17 - 65 tuổi, đã bị từ chối nhập cảnh vào Ukraine mà không có lời giải thích. Tuy nhiên, ngày 19/3, Đại sứ quán Ukraine ở Moldova đã đưa ra lời bác bỏ, nói rằng quy định trên "làm mất ổn định tình hình trong khu vực và làm mất uy tín cũng như vai trò của Ukraine trong quá trình giải quyết vấn đề Transnistria". Trong khi đó, Moskva cũng xem những quy định trên là hành động “phong tỏa" chống lại PMR và như một nỗ lực để thay đổi hoặc ít nhất là điều chỉnh lớn tính nguyên trạng.

Thứ hai, cuộc xung đột Moldova - Transnistria  là cuộc đối đầu chính trị - dân tộc gay go nhất trong lục địa Á-Âu liên quan đến biên giới của NATO và EU.

Bản đồ khu vực Transnistria của Moldova.


Thứ ba, tinh thần chung của người dân sống ở Transnistria đã tăng lên mạnh mẽ sau khi Nga sáp nhập Crimea. Khu vực này đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9/2006 với đa số người dân lựa chọn độc lập và có quan hệ chặt chẽ với Nga. Ngày 16/4/2014, Hội đồng tối cao PMR kêu gọi cả hai viện của quốc hội Nga và Tổng thống Vladimir Putin công nhận nền độc lập của Transnistria.

Trong khi đó, quan điểm của Moskva về vấn đề này kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn rất cân bằng và thận trọng. Phát biểu trên truyền hình ngày 17/4 vừa qua, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng Ukraine không thể phong tỏa Transnistria và ủng hộ hình thức đàm phán hiện tại "5 +2", trong đó bao gồm hai bên xung đột (Moldova và Transnistria), tổ chức trung gian (OSCE), 2 nhà quan sát (Mỹ và EU ) và 2 nhà bảo lãnh (Nga và Ukraine).

Ông Markedonov cho rằng, trong bối cảnh xung đột giữa Moldova - Transnistria luôn biến động, tình hình Ukraine sẽ khiến cho vấn đề của Transnistria tiếp tục nóng lên. Rất khó để có thể hình dung ra rằng các sự kiện đang diễn ra ở miền đông nam Ukraine sẽ kết thúc như thế nào.

Nếu tình hình ở các khu vực như Odessa, Nikolaev, hoặc Kherson trở nên trầm trọng hơn, nó có thể sẽ thúc đẩy Kiev phải hành động vội vàng chống lại PMR. Trong khi đó, không giống như Abkhazia và Nam Ossetia, Nga không có biên giới chung với Transnistria. Điều này tạo ra một khoảng trống rất phức tạp đối với Moskva trong việc tiếp cận vấn đề.

Tuy nhiên, Nga cũng đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng bất kỳ nỗ lực để thay đổi tính nguyên trạng trong cuộc xung đột ở Transnistria thông qua giảm thiểu lợi ích hoặc tìm cách loại Moskva ra khỏi tiến trình hòa bình cho khu vực này là không thể chấp nhận, vì Transnistria là một bên trong cuộc xung đột nên bất kỳ cách tiếp cận nào cũng không thể bỏ qua quan điểm của PMR và đây cũng không phải là khu vực mà các đối tác bên ngoài có thể thao túng.


Công Thuận
(Theo R.D)