08:14 14/08/2012

2/3 tai biến sản khoa không có dấu hiệu báo trước

Tai biến sản khoa thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, phức tạp, khó lường, cho nên các y bác sĩ phải theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ của sản phụ

“Tai biến sản khoa thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, phức tạp, khó lường, cho nên các y bác sĩ phải theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ của sản phụ. Đồng thời phải cung cấp thông tin đầy đủ cho thân nhân người bệnh để tránh những bức xúc không đáng có từ gia đình bệnh nhân”- BS Nguyễn Ngọc Phượng (ảnh), nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đã tâm sự như vậy trước hàng loạt vụ tử vong cả mẹ lẫn con khi sinh nở khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng…


Với kinh nghiệm nhiều năm của một BS phụ sản hàng đầu, BS Nguyễn Ngọc Phượng chia sẻ:



Không giống như nội,ngoại khoa, người bệnhchỉ đi khám, điều trị khi họ thấy mình có bệnh, còn sản khoa, phần đông người bệnh vào bệnh viện trong tình trạng bình thường. Trước đó, sản phụ còn nói chuyện, đi lại, không có triệu chứng gì bất thường về sức khỏe nhưng “đùng” một cái sản phụ tím tái, co giật, hôn mê và tử vong. Điều này không chỉ khiến cho nhân viên y tế trở tay không kịp mà còn khiến cho gia đình người bệnh rất khó chấp nhận khi các y bác sĩ có giải thích và dẫn đến những phản ứng, bức xúc khi cho rằng nhân viên y tế “có vấn đề”.


Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ có 1/3 trường hợp tai biến, tử vong trong sản khoa là có thể phát hiện ra, số còn lại thì không có dấu hiệu báo trước. Đáng sợ hơn là tai biến sản khoa thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, phức tạp, khó lường. Cũng phải thừa nhận rằng tỷ lệ tai biến, tử vong sản khoa ở nước ta thời gian qua đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với thế giới. Tôi có 3 người con gái, mỗi lần con tôi mang thai, sinh nở là tôi lo lắm. Bởi mình biết rõ, hiểu rõ về chuyện này nên mình càng lo sợ, mọi chuyện vẫn có thể xảy ra. Phải đến khi biết tin “mẹ tròn con vuông” thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ việc người bệnh lo lắng cũng đúng thôi.


° PV: Vậy làm thế nào để hạn chế những tai biến trong sản khoa, không gây bức xúc cho thân nhân người bệnh?


° BS Nguyễn Ngọc Phượng: Như chúng ta đã biết, tai biến, tử vong trong sản khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Nhưng nó được chia làm 2 dạng. Dạng thứ nhất là dạng không có khả năng dự báo, phòng tránh trước như thuyên tắc ối. Tuy nhiên, may mắn là loại tai biến này rất hiếm xảy ra (tỷ lệ khoảng 1/10.000 ca).


Nói vậy, nhưng nhiều nhà chuyên môn cho rằng tai biến này vẫn có thể ít nguy cơ hơn khi chuyển dạ, sản phụ nằm yên, hạn chế đi lại. Khi cửa tử cung mở ra độ 4, đầu thai áp sát cổ tử cung thì bác sĩ có thể tia bớt ối… Còn các tai biến sản khoa khác (như vỡ tử cung, băng huyết, nhau bong non, nhau tiền đạo…) tuy không thể đảm bảo 100% nhưng đều có thể phòng tránh hoặc cứu sống nếu có biện pháp xử trí kịp thời, đúng cách.


Để hạn chế nguy cơ tai biến, sản phụ nên đi tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ và khi có những dấu hiệu bất ổn, và nên thực hiện đúng y lệnh, lời dặn của bác sĩ… Đối với bác sĩ, không được chủ quan khi khám, chẩn đoán suốt quá trình mang thai và phải theo dõi sát sao, chặt chẽ quá trình chuyển dạ của sản phụ. Công tác cấp cứu phải đảm bảo…

Nhiều cô đỡ thôn bản do Bệnh viện Từ Dũ đào tạo thực hiện hiệu quả việc khám sản khoa, chăm sóc trẻ ở các tỉnh vùng cao. Ảnh: Tr.Ng.


° Trong vòng hơn 1 tháng đã có trên 10 ca tử vong, phần lớn đều có kết luận do thuyên tắc ối. Bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?


° Như tôi đã nói, thuyên tắc ối là tai biến nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng khó đoán trước và nếu phát hiện ra cũng khó cứu nổi. Tuy nhiên, tai biến này rất hiếm gặp. Thời gian qua, việc xảy ra nhiều trường hợp được cho rằng do thuyên tắc ối nhiều như vậy là bất thường. Nhưng nếu ai hỏi tôi có đúng là thuyên tắc ối không? Hay bác sĩ, bệnh viện đó lấy lý do thuyên tắc ối để chối bỏ trách nhiệm không thì tôi khẳng định là “tôi không biết”. Bởi muốn khẳng định điều này thì phải dựa vào kết quả giám định pháp y.


Đối với trường hợp tử vong do thuyên tắc ối, khi khám nghiệm, trong mạch máu ở phổi của bệnh nhân sẽ có dấu hiệu bị tắc, động mạch bị đen lại. Trong khi đó, nhiều trường hợp tử vong do người nhà bệnh nhân lại không đồng ý giám định nên khó có cơ sở để khẳng định bệnh nhân tử vong do nguyên nhân khác.


° Tai biến nhiều phải chăng do chất lượng chuyên môn và khâu đào tạo của chúng ta đang có nhiều yếu kém?


° Theo tôi, ngành y tế nói chung và ngành sản nói riêng của chúng ta đã làm được rất nhiều việc đáng ghi nhận. Nguồn nhân lực sản khoa chúng ta đang thiếu nhưng chất lượng chuyên môn theo tôi là tốt, thậm chí rất tốt. Cứ nhìn đội ngũ cô đỡ thôn bản của Bệnh viện Từ Dũ đào tạo được trong thời gian qua là rõ. Hàng ngàn cô đỡ sau khi đào tạo đã về công tác tại vùng sâu vùng xa, nơi cơ sở vật chất trang thiết bị đơn giản nhưng chưa để xảy ra trường hợp tai biến tử vong nào. Bởi vì họ tuân thủ đúng quy trình theo dõi, nắm tình hình người bệnh kỹ càng. Tôi cho rằng, những vụ việc vừa qua chỉ là thiểu số và ngoài ý muốn. Mọi người hiểu và thông cảm cho bác sĩ vì không ai mong muốn xảy ra sự cố với người bệnh. Bác sĩ ở bệnh viện đang phải làm việc trong môi trường áp lực vì quá tải và mệt mỏi nên cũng có thể dẫn tới những sự cố…



Theo SGGP