07:16 13/07/2019

20 năm ‘Thành phố Vì hòa bình: Cơ hội quảng bá về văn hóa và con người Hà Nội

Chiều 13/7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Hà Nội - Thành phố vì hoà bình, 20 năm hội nhập và phát triển”, điểm lại những thành tựu đã đạt được sau 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019).

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội đánh giá, 20 năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý “Thành phố Vì hòa bình”. Đó là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hoà bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.

Bà Nguyễn Lan Hương cũng đánh giá, đây là cơ hội để quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về thành phố hòa bình, cùng nhau xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", cùng hướng tới một thế giới thịnh vượng và hạnh phúc.

Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho biết, Hà Nội được UNESCO vinh danh và trao giải thưởng "Thành phố Vì hòa bình" tại thành phố La Paz (Bolivia) vào năm 1999, đây là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng của Hà Nội vào việc xây dựng một nền văn hóa hòa bình thông qua những nỗ lực đổi mới, cách tiếp cận nhân văn trong giải quyết các vấn đề đô thị hóa, vấn đề xã hội cũng như cải thiện giá trị cuộc sống của 7,5 triệu dân.

Từ một thành phố còn gợi lại nhiều ký ức chiến tranh, Hà Nội đã trở thành một điểm đến hòa bình của thế giới. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế nổi bật như: Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ (1997); các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEM... và gần đây là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 – sự kiện có ý nghĩa to lớn về chính trị, đối ngoại quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, Mỹ, Triều Tiên...

Bên cạnh những thành tựu to lớn, các chuyên gia cũng đánh giá, sau 20 năm được UNESCO vinh danh, với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số Hà Nội ước tính sẽ đạt hơn 10,4 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, thủ đô Hà Nội sẽ phải chịu áp lực lớn trên mọi lĩnh vực.

“Tôi mong muốn Hà Nội sẽ có giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị sao cho phù hợp với hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những thách thức đó đòi hỏi mỗi người dân thủ đô và nhân dân cả nước cùng chung tay góp sức xây dựng, giữ gìn và vun đắp cho một Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại cho hôm nay và cho thế hệ tương lai”, ông Mai Phan Dũng nhấn mạnh.
 

Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức