06:18 27/06/2019

192.000 hộ dân hưởng lợi từ dự án giảm nghèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Trồng rau sạch ở Mai Châu (Hòa Bình), trồng ớt ở Mường Khương (Lào Cai), chăn gà đồi ở Lục Yên (Yên Bái), nuôi cá lồng ở Đà Bắc (Hòa Bình)... những hình thức chuyển đổi loại cây trồng, phương thức canh tác cùng nhóm đồng sở thích này đã giúp hộ nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc gia tăng thu nhập, duy trì sinh kế, đảm bảo giảm nghèo bền vững

Chú thích ảnh
Hội nghị tổng kết Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội. Ảnh: L.S

192.000 hộ dân của 259 xã (trong đó có trên 98.500 hộ nghèo) với hơn 732.500 lượt người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2, diễn ra ngày 27/6, tại Hà Nội.

Triển khai từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng vốn đầu tư 275 triệu USD, trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ là 250 triệu USD và vốn đối ứng 25 triệu USD từ ngân sách của Chính phủ đã thực hiện qua 2 giai đoạn.

Một trong những điểm nhấn của Dự án là thực hiện việc phát triển sinh kế cho người dân trong vùng thông qua hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhóm cùng sở thích (CIG - Common Interest Groups). Một nhóm CIG gồm những hộ nghèo và hộ khá cùng tham gia các hoạt động sinh kế như nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất hàng thủ công một cách tự nguyện, có cùng mục đích và chung mối quan tâm về lợi ích phát triển kinh tế, sinh hoạt theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn đề ra và có vai trò nhất định trong nhóm.

Trải qua 8 năm triển khai tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái - những tỉnh có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước với trên 20 nhóm dân tộc thiểu số - việc chuyển đổi loại cây trồng, phương thức canh tác cùng nhóm đồng sở thích là cách thức mà các hộ nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện để gia tăng thu nhập, duy trì sinh kế để đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Hơn 18.000 hoạt động sinh kế đã được áp dụng cho 222.000 lượt hộ hưởng lợi. Có 13.568 nhóm CIG được thành lập, với 157.000 thành viên (tỷ lệ nữ là 52,3%); 107 liên kết đầu tư sản xuất được thực hiện với 22.000 hộ dân, tạo ra thu nhập tăng thêm trung bình 47,5 triệu đồng/nhóm/lứa, vụ sản xuất, thu nhập trung bình của mỗi hộ thành viên đạt 500 - 800.000 đồng/tháng.

Cũng theo khảo sát mới nhất của dự án, 7.861 công trình cơ sở hạ tầng xây mới và cải tạo tại 2.594 thôn bản (510.000 lượt hộ hưởng lợi), trong đó gần 4.000 công trình đường giao thông với 3.844km đường, 1.335 công trình thủy lợi phục vụ trên 16.000 ha sản xuất.

Chú thích ảnh
Liên kết nuôi cá lồng tại huyện Đà Bắc (Hoà Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ảnh: BDA Hoà Bình

Ông Nguyễn Thanh Dương - Vụ trưởng Vụ kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Ban điều phối dự án Trung ương chia sẻ: “Mô hình hoạt động nhóm sản xuất cùng sở thích là rất mới với các tỉnh miền núi phía Bắc. Các nhóm không đồng đều về khả năng và trình độ được hỗ trợ để xây dựng sinh kế với mục tiêu dần hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã phát triển bền vững ngay cả khi dự án kết thúc”.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, sau những hỗ trợ ban đầu từ dự án, các tỉnh sẽ được nghiên cứu tiềm năng để mời gọi sự tham gia của doanh nghiệp. Hiện tại, đã có 70 doanh nghiệp tham gia vào dự án tạo thành 130 mô hình liên kết để hình thành một số vùng chuyên canh như vùng mía ở Hòa Bình, đương quy ở Lào Cai hay những vùng trồng dong giềng, chanh leo….

“Các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc thù là khí hậu khắc nghiệt đi kèm đường xá không thuận lợi nên doanh nghiệp cũng cân nhắc khá nhiều về mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, từ những liên kết này, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ biết tới nhiều hơn tiềm năng của các tỉnh miền núi phía Bắc để tham gia vào chuỗi cung ứng, gia tăng quy mô sản xuất ở các tỉnh này”, ông Nguyễn Thanh Dương nói.

Sơn La là một trong 6 tỉnh miền núi phía Bắc được tham gia dự án giảm nghèo giai đoạn 2 do WB tài trợ. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 850 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên địa bàn 511 bản của 39 xã thuộc 6 huyện của tỉnh là Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên và Phù Yên. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La đánh giá cao những kết quả dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đã đạt được; dự án đã góp phần hỗ trợ các huyện giảm nghèo bền vững; hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động phát triển sinh kế thông qua việc tác động đến các nhóm đồng sở thích. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các xã, bản có kế hoạch chi tiết tiếp tục thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả các công trình được đầu tư xây dựng.

Đại diện Ngân hàng Thế giới đồng thời là chủ nhiệm dự án, bà Nguyễn Thị Thu Lan cho biết: “Tất cả các dự án WB tài trợ đều chọn cách tiếp cận tạo cho người dân ở thế chủ động trong tự tổ chức sản xuất, gắn kết thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập va đa dạng nguồn thu nhập. Thông qua các dự án giảm nghèo, WB đặt kỳ vọng các cách làm hay được thể chế hóa và nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêp giúp Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững”.

Từ việc được dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc tạo “sức bật” cho cộng đồng vươn lên thoát nghèo, các nhóm cùng sở thích sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau duy trì sinh kế, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững ngay khi dự án này kết thúc.

L.Sơn/Báo Tin tức