11:17 19/11/2021

1,6 triệu việc làm 'bốc hơi' trong ngành du lịch một số quốc gia châu Á

Ngành du lịch đóng băng do dịch COVID-19 đã khiến 1,6 triệu việc làm bốc hơi tại 5 quốc gia châu Á trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà phân tích dự đoán ngành du lịch của châu Á sẽ hồi phục chậm trong ngắn hạn. Ảnh: Reuters

Kênh Al Jazeera dẫn nguồn từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết thông tin trên ngày 18/11. Theo đó, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Mông Cổ đã ghi nhận 1/3 số việc làm mất đi trong do dịch COVID-19 là thuộc ngành du lịch.

Việc làm liên quan tới ngành du lịch bị mất đi do dịch COVID-19 cao gấp 4 lần so với các ngành nghề khác. Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương ILO Chihoko Asada-Miyakawa đánh giá: “Ngay cả khi những quốc gia trong khu vực tập trung nhiều vào chiến thuật tiêm vaccine và dần dần mở cửa biên giới thì nhiều công việc trong lĩnh vực du lịch tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì dưới mức trước khủng hoảng cho đến năm sau”.

Brunei ghi nhận mức giảm sâu nhất của lao động trong lĩnh vực du lịch với 40%. Ở Philippines, lao động trong lĩnh vực du lịch giảm 28%. Tại Việt Nam, mức lương trung bình trong ngành này giảm tới 18%.

Thái Lan trong khi đó ghi nhận mức lương trung bình ngành du lịch giảm 9,5%. Thái Lan là quốc gia thu tới 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ du lịch. Số lao động trong ngành du lịch tại Mông Cổ cũng giảm tới 17%.

Tính đến tháng 9, du khách đặt chân đến châu Á giảm tới 99% so với mức trước khi đại dịch xảy ra. Còn ở Mexico con số này là 20%, phía Nam châu Âu là 65%.

Khoảng 291 triệu du khách đã đến châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2019, đóng góp 875 tỷ USD cho nền kinh tế các quốc gia khu vực này.

Nhà kinh tế học Gareth Leather tại công ty Capital Economics (Mỹ) cho biết ngành du lịch đóng băng đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh kế các quốc gia trong khu vực.

Ông Leather nêu chi tiết: “Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch chiếm tới 10% GDP ở một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Trong gần hai năm qua, những nước này gần như không có du khách đến thăm. Các chính phủ đã tăng cường hỗ trợ nhưng mức chi lại thấp hơn so với những nước phát triển. Đói nghèo và khó khăn kinh tế sẽ tăng mạnh”.

Nhà kinh tế học Sara Elder tại ILO nhận định: “Sẽ cần có thời gian cho việc hồi phục và những người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch tiếp tục cần hỗ trợ để bù đắp cho thất thu thu nhập và tài sản dự trữ. Các chính phủ nên tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ trong khi tăng cường tiêm vaccine cho mọi người dân, bao gồm cả lao động nhập cư”.

Hà Linh/Báo Tin tức