10:22 12/10/2015

16 chữ vàng của Thông tấn xã Giải phóng

Giữa những ngày mùa thu của năm 2015, tôi bồi hồi nhớ lại thời gian công tác tại Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở miền Nam. Đó là những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời làm cách mạng mà tôi không thể nào quên.


Cuộc Đồng khởi 1959 - 1960 là cuộc nổi dậy long trời lở đất của nhân dân ta ở nông thôn miền Nam, đòi độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tiến tới thống nhất nước nhà. Rất cần có một cơ quan thông tin để kịp thời phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt đó, nên ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng - gọi tắt là Giải phóng xã (GPX) ra đời.

Khi mới thành lập, TTXGP là một bộ phận của Xứ ủy, sau là Trung ương Cục miền Nam. Thời đó, chỉ có một số cán bộ kỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp như các đồng chí Ba Đỗ (tức Đỗ Văn Ba hay Nguyễn Văn Hạng), Sáu Nghĩa (tức Lê Quang Nghĩa), Chín Chiên và một số thanh niên yêu nước được huấn luyện kỹ thuật thông tin, sau trở thành các điện báo viên như các đồng chí Chiều, Dựng, Song, Khuê...

Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Ảnh: Tư liệu-TTXVN

Lực lượng biên tập viên tại chỗ dựa vào các lãnh đạo Ban Tuyên huấn như đồng chí Trần Bạch Đằng (tức Năm Quang), Nguyễn Văn Hiếu, Ung Ngọc Ky, Tân Đức... đều là những nhà báo lão luyện.

Ban đầu, máy móc, thiết bị thông tin rất thiếu, anh em phải tự lắp máy thu Schnell để thu tín hiệu morse, vận hành máy phát 15W bằng ragônô. Đối tượng thu phát là VNTTX tại Hà Nội và một số địa phương Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung Trung Bộ.

Năm 1961, Mỹ ngụy tăng cường càn quét, ném bom, bắn phá những vùng chúng nghi có quân ta. Để bảo toàn lực lượng, TTXGP đã phải di dời căn cứ từ tây bắc tỉnh Tây Ninh sang vùng Mã Đà, đông bắc tỉnh Đồng Nai và ngược lại.

Trong thời gian này, bộ phận biên tập chủ yếu là cán bộ tại chỗ như các đồng chí Sáu Tụng, Ba Đỗ, Hai Ngãi, Út Thiện, Tư Thái, Tư Cường, Út Bền, Bẩy Khẩn. Sau đó tiếp nhận hai cán bộ của VNTTX từ Hà Nội cử vào là đồng chí Mai Hữu Phúc (tức Khả Minh) - nguyên Trưởng phòng Tin miền Bắc và đồng chí Cầu (tức Ngọc) cán bộ nghe phôni.

Tháng 4/1965, VNTTX gửi một đoàn cán bộ gồm 50 người vào tăng cường cho TTXGP. Trong đó có 7 cán bộ cốt cán của cơ quan, thuộc các Ban biên tập tin đối ngoại, tin thế giới, tin trong nước và phân xã nhiếp ảnh.

Tiếp đến năm 1966, VNTTX gửi tiếp một đoàn phóng viên tin, ảnh, quân số tương đương đoàn năm 1965, đa phần tốt nghiệp đại học văn, sử, ngoại giao.
Với lực lượng cán bộ, phóng viên đông đảo, TTXGP xây dựng cơ cấu tổ chức thành các phòng biên tập tin đối nội, đối ngoại, thế giới, nhiếp ảnh, điện vụ kỹ thuật, văn phòng, tổng hợp, in ấn, giao liên, phát hành.

Hằng ngày TTXGP in và phát hành trên 400 bản tin các loại như tin phổ biến, tin nhanh, tin đặc biệt, tài liệu tham khảo.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ. Để phục vụ yêu cầu tuyên truyền, TTXGP đã cử các tổ phóng viên mặt trận (gồm phóng viên tin, ảnh, điện báo viên) mang theo điện đài (102 - 15W) đến Sở chỉ huy tiền phương của một số sư đoàn quân Giải phóng để săn tin.

Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ tập trung 45.000 quân mở cuộc càn lớn mang tên Gian xơn xi-ty vào Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, hòng xóa sổ cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến và tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta, trong đó có TTXGP.

Dưới sự chỉ huy gan dạ của Chính ủy - Thủ trưởng Vũ Linh (tức Bảy Lý), du kích TTXGP đã anh dũng đánh trả, bắn cháy 2 xe tăng, xe bọc thép của địch, bảo vệ cơ quan rút lui an toàn.

Năm 1968, quân dân miền Nam tiến hành trận tập kích chiến lược Tết Mậu Thân vào các thành phố, thị xã, thị trấn toàn miền Nam. Một số cán bộ phóng viên tin, ảnh điện báo viên các phân xã địa phương đã bám sát bộ đội, liên tục đưa tin chiến thắng làm nức lòng đồng bào cả nước.

Tuy nhiên sau đòn choáng váng ban đầu, địch biết lực lượng của ta có hạn đã điên cuồng phản kích. Trên 40 phóng viên TTXGP đã anh dũng hy sinh.

Tháng 5/1970, đế quốc Mỹ tấn công sang Campuchia, mở rộng cuộc chiến ra toàn bán đảo Đông Dương. TTXGP lúc đó đang đóng căn cứ tại Sáu Cầu (tỉnh Xoài Riêng) phải rút hướng lên huyện Đầm Be (Công Pông Chàm). Mấy trăm cán bộ, công nhân viên TTX lại ba lô trên lưng âm thầm đi suốt đêm vượt chặng đường trên dưới 50 km dưới sự truy đuổi của hàng đàn trực thăng và bộ binh địch có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ.

Ngày 11/2/1971, Mỹ cho 9 đợt máy bay B52 - mỗi đợt 3 chiếc ném bom rải thảm xuống căn cứ TTXGP làm 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Hôm sau, ngày 12/12/1971, B52 lại ném bồi nhiều đợt bom nữa làm mấy nhân viên văn phòng bị thương nhẹ.

Năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam nhưng đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai vẫn hành quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng miền Nam. Ngày 23/1/1973, B52 trút bom xuống căn cứ Kađôn, làm một chiến sĩ bảo vệ hy sinh.

Để chuẩn bị đón thời cơ mới, theo lệnh Trung ương Cục miền Nam, TTXGP nhanh chóng dời căn cứ Kađôn trở về căn cứ cũ tại Phum Cháy, tây bắc tỉnh Tây Ninh.

Tại đây, TTXGP được VNTTX chi viện một đoàn quân mới (lớp GP 10) gồm 100 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, do đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc VNTTX làm Trưởng đoàn, cùng 14 xe vận tải chở hàng chục tấn máy móc, thiết bị thông tin như teletype, telephote, máy thu phát 15W, máy nổ lớn, máy ảnh, súng ngắn... Áp tải đoàn xe về tận căn cứ an toàn là các đồng chí Hai Luận, trưởng đoàn, Nguyễn Đức Chính (tức Chí Anh).

Đến tháng 4/1975, đồng chí Đào Tùng, Giám đốc VNTTX từ Hà Nội dẫn đầu đoàn công tác tiền phương vào thẳng căn cứ TTXGP tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 30/4/1975, quân ta giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến 10 nghìn ngày trong niềm vui vô bờ bến của nhân dân ta.
Rất khẩn trương, toàn thể cán bộ, công nhân viên TTXGP, bằng nhiều phương tiện giao thông cấp tốc tiến quân về Sài Gón tiếp quản Việt tấn xã tại số 118 - 120 đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) trong không khí mừng vui, phấn khởi.

Với công lao đóng góp hết mình vào cuộc chống Mỹ cứu nước, TTXGP vinh dự - tự hào được Ủy ban Trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam khen thưởng 16 chữ vàng: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Lịch sử đã sang trang, đất nước hòa bình, thống nhất. Ngày 24/5/1976, TTXGP hợp nhất với VNTTX thành TTXVN.

Phạm Nho Nghĩa