09:09 01/09/2014

156 năm trận đầu chống Pháp

Ngày 1/9/1858, hạm đội Pháp ở Á Đông cùng tàu chiến của Tây Ban Nha đã tấn công vào bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Ngày 1/9/1858, hạm đội Pháp ở Á Đông cùng tàu chiến của Tây Ban Nha đã tấn công vào bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Liên quân tấn công Đà Nẵng. Ảnh: wikipedia


Và ngày 1/9/1858 cũng là ngày mở đầu cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Quân và dân ta đã dũng cảm đương đầu với súng đạn, chiến thuyền của liên quân thực dân Pháp-Tây Ban Nha khi chúng nổ súng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Kế hoạch xâm lược Việt Nam được thông qua từ tháng 4/1857 và đến khi cuộc can thiệp của Pháp ở vùng biển Trung Hoa tạm ngừng bởi hiệp ước Thiên Tân lần thứ nhất ngày 27/6/1858, hạm đội Pháp lập tức quay mũi về phía Đà Nẵng.

Chỉ huy hạm đội Pháp là Phó Đô đốc Genouilly, người đã từng chinh chiến nhiều năm trên chiến trường Nga và Trung Quốc. Genouilly có trong tay 13  chiến hạm và 1500 quân. Liên minh với hạm đội Pháp này còn có lực lượng Tây Ban Nha, với 3 tàu chiến và 850 quân do đại tá Lanza rotte chỉ huy.

Nắm một lượng tương đối mạnh trong tay, mờ sáng ngày 1-9-1858, Genouilly cho người chuyển tối hậu thư tới quan trấn thủ Đà Nẵng đòi quân ta phải đầu hàng và nộp toàn bộ khí giới, đồn lũy trong vòng 48 giờ. Không đợi đến hai ngày như đã hẹn, 10 giờ sáng ngày 1/9/1858, quân Pháp đã nổ súng vào bán đảo Sơn Trà mở đầu cuộc xâm lược của thực dân phương Tây ở Việt Nam.

Chỉ trong ngày đầu nổ súng, hầu hết những đồn phòng thủ của triều đình Huế ở phía đông sông Hàn đều bị hạ. Sáng ngày 2/9/1858, địch tiếp tục pháo kích tấn công thành Điện Hải và đổ quân chiếm khu vực phía Tây. Một phòng tuyến được lập ở phía Hòa Vang để ngăn địch. Diễn biến của trận đánh cho thấy địch không thể phát huy được sức mạnh của binh khí kỹ thuật để tấn công ồ ạt, mà bị chặn ngay ở cửa biển Đà Nẵng. Đây là kết quả của sự kháng cự quyết liệt của lực lượng đồn thủ dưới sự chỉ huy của một triều đình lúc đó còn toàn vẹn sinh lực, với quyết tâm cao và sự hậu thuẫn của nhân dân. Ngoài quân chủ lực của triều đình, còn có sự tham gia của dân binh sở tại.

Sau khi Tổng đốc Lê Đình Lý bị trúng đạn trọng thương và hy sinh, vua Tự Đức đã cử Thống chế Chu Phúc Minh làm Tổng đốc quân vụ thay Lê Đình Lý. Mặt khác, Tự Đức điều Nguyễn Tri Phương, võ tướng số một của triều đình lúc đó, đang làm Kinh lược sứ Nam Kỳ ra chỉ huy mặt trận Đà Nẵng thay cho Chu Phúc Minh.

Là một võ quan có tài thao lược, ngay từ đầu Nguyễn Tri Phương đã đánh giá tình hình một cách đúng đắn, đề ra một phương thức phòng thủ và đánh địch năng động, thích hợp. Ông không chủ trương tiến công địch chính diện để tránh sức mạnh hỏa lực của địch mà bao vây chặn địch ở ven biển, tăng cường phục kích đánh địch, không cho địch tiếp xúc với dân, thực hiện “vườn không nhà trống”, cô lập và triệt đường tiếp tế, cung cấp lương thực tại chỗ của chúng.

Cũng trong tháng 9/1858, Trần Nhật Hiển, đội trưởng doanh Kỳ Vũ, một võ quan cấp thấp của triều đình Huế, đã hiến mật kế để đánh Pháp. Triều đình chấp thuận, cho thi hành: làm dây xích sắt chắn ngầm ngang các dòng sông và cửa biển Thuận An, Tư Hiền, dùng thuyền nhỏ phục kích những nơi hiểm yếu.

Cùng thời gian này, quân và dân tỉnh Quảng Nam dùng sọt tre, thùng gỗ chứa đất, đá lấp dòng sông Vĩnh Điện để ngăn chặn đường tiến quân của giặc Pháp. Dòng sông bị lấp, thế nước sẽ dồn về cửa biển Đại Chiêm, do đó miền hạ lưu sẽ cạn, thuyền giặc không thể vào được, quân và dân ta chỉ còn lo tập trung phòng bị mặt đường bộ.

Tháng 11/1858, chiến thuyền của Pháp tiến công vào sông Hàn và sông Nại Hiên (Quảng Nam) đã bị quân dân ta dưới sự chỉ huy của Đào Trí và Nguyễn Duy phục kích đánh tan. Ít ngày sau, giặc Pháp lại đem 8 thuyền chiến tiến vào sông Nại Hiên lần nữa và cũng bị quân dân ta do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đánh bại, buộc phải tháo chạy.

Cho đến hết năm 1858, quân Pháp vẫn không sao mở rộng được địa bàn chiếm đóng, phá vỡ thế phòng thủ của ta, để thực hiện chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh.

Tiến thoái đều không được Genouilly lúc này được phong làm Đô đốc, bèn quyết định chuyển hướng tiến công vào Gia Định. Đầu tháng 2/1859, quân Pháp chỉ để lại ở Đà Nẵng một lực lượng nhỏ chiếm đóng và vài chiến hạm do đại tá hải quân Toyon chỉ huy. Tương quan lực lượng tại Đà Nẵng lúc này đã thay đổi, tạo thế thuận lợi cho ta. Những toán viện binh sau đó cũng bị hao mòn vì bệnh truyền nhiễm và khí hậu oi bức, cộng thêm sự căng thẳng thần kinh do các cuộc tập kích hàng đêm vào các cứ điểm của quân triều đình và dân binh.

Kết cục, sau 18 tháng đánh chiếm Đà Nẵng (từ 1/9/1858 - 23/3/1860), Page - thiếu tướng tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha được lệnh của Chính phủ Pháp rút hết quân ra khỏi Đà Nẵng.

Sau 18 tháng chiến đấu dũng cảm, kiên cường ngăn chặn bước chân xâm lược của quân đội thực dân Pháp, ta đã giành thắng lợi lớn ở mặt trận Đà Nẵng. Những cố gắng cao nhất của triều đình và quan quân nhà Nguyễn lúc đó đã được thể hiện trên chiến trường. Trận thắng đầu tiên đã nêu cao tinh thần yêu nước bất khuất của quan quân nhà Nguyễn và nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam cùng quân dân cả nước, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân ta trong suốt 80 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt là thể hiện tinh thần nhất tề đứng dậy dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi cuối cùng đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi đã chứng minh một chân lý thời đại: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù đất không rộng, người không đông, nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, có đường lối quân sự chính trị đúng đắn, được quốc tế ủng hộ thì hoàn toàn có khả năng đánh bại mọi thế lực đế quốc hiếu chiến.


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN