02:13 18/02/2022

15 năm Lễ hội Xuân hồng - Hành trình lan tỏa sự sống và tinh thần nhân ái

Lễ hội Xuân hồng đã trải qua 15 năm "hành trình trao đời sự sống", tiếp nhận hàng chục nghìn đơn vị máu quý giá từ người hiến máu tình nguyện.

Khởi đầu là một lễ hội được tổ chức tại Hà Nội, đến nay lễ hội Xuân hồng đã lan tỏa, nhân rộng và được tổ chức tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu sau Tết Nguyên đán. Lễ hội Xuân hồng thực sự để lại những kỷ niệm sâu đậm, ấn tượng không thể quên trong lòng người tham dự về một lễ hội nhân ái - Lễ hội của lòng dân.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên đến tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2022. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Lan tỏa, khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cộng đồng

Nhiều năm trước, tình trạng khan hiếm máu điều trị sau dịp Tết Nguyên đán thường xảy ra ở những trung tâm truyền máu, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước. Dù đã được chuẩn bị trước nhưng lượng máu dự trữ thường giảm nhiều do lượng bệnh nhân trở lại bệnh viện sau Tết tăng, số ca tai nạn giao thông không giảm; quan niệm cũ cho rằng không nên hiến máu đầu năm; việc hiến máu tại các cơ quan, trường học chưa được triển khai…

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh - Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Xuân hồng 2022 cho biết, với mong muốn góp phần đảm bảo đủ máu cho hoạt động khám, chữa bệnh và điều trị của nhân dân, Viện và Hội Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức một sự kiện hiến máu lớn ngay sau Tết Nguyên đán.

Đây là quyết định mang tính đột phá bởi trước đó Viện chưa từng tiếp nhận máu với số lượng 500 đơn vị máu/ngày; cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị đều khá hạn chế cho việc tiếp nhận, xử trí lượng máu tiếp nhận lớn. Hơn nữa tháng Giêng cũng không thuận lợi để vận động người dân hiến máu (do thời tiết không thuận lợi, người hiến máu chưa thực sự hưởng ứng, sinh viên - lực lượng hiến máu tình nguyện chính chưa quay lại trường học). Nhưng đứng trước yêu cầu cấp bách cần bổ sung một lượng máu lớn cho điều trị, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vẫn quyết tâm tổ chức lễ hội Xuân hồng.

Năm 2008, lần đầu tiên lễ hội Xuân hồng diễn ra tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, thu hút được 4.500 người tham dự. Lễ hội cũng đạt được thành công vang dội khi lập kỷ lục về số lượng đơn vị máu tiếp nhận được trong một ngày với 2.610 đơn vị máu. Năm 2017 kỷ niệm 10 năm lễ hội Xuân hồng, sự kiện lại ghi dấu ấn kỷ lục mới với 9.336 đơn vị máu tiếp nhận được chỉ trong một ngày.

Qua mỗi kỳ tổ chức, lễ hội Xuân hồng đã khẳng định sức lan tỏa, khơi dậy hàng vạn tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Trải qua 14 năm, lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm nghìn người tham dự và tiếp nhận gần 92.000 đơn vị máu. Sự kiện cũng góp phần  quan trọng vào việc thay đổi quan niệm, tạo dựng thói quen tích cực của người dân về việc hiến máu đầu Xuân; giúp cung cấp lượng máu lớn, an toàn, hiệu quả, phục vụ kịp thời cho công tác cấp cứu và điều trị.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh, "lễ hội Xuân hồng góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị ngay sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Các bệnh viện cơ bản đã đáp ứng được đủ nhu cầu cho điều trị, hầu như không còn tình trạng kêu gọi người nhà hiến máu tình nguyện. Chúng ta đã thay đổi được quan niệm, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu trong dịp Tết. Hiến máu đã dần trở thành một nét đẹp văn hóa đầu Xuân cùng với việc làm tốt, việc làm thiện để có thêm may mắn".

Ông Bạch Quốc Khánh cho biết, riêng Tết Nhâm Dần 2022, trung bình mỗi ngày Viện tiếp nhận khoảng 170 người đến hiến máu và hiến tiểu cầu. Trong 9 ngày Tết, Viện đã tiếp nhận được gần 1.000 đơn vị máu toàn phần và gần 600 đơn vị khối hồng cầu gạn tách từ một người cho. Trong 5 ngày sau Tết, hoạt động tiếp nhận máu vẫn diễn ra liên tục với số lượng máu tiếp nhận là hơn 3.000 đơn vị máu toàn phần và gần 600 đơn vị tiểu cầu gạn tách.

Khác với hàng ngàn lễ hội đầu Xuân diễn ra trên cả nước, Xuân hồng là lễ hội duy nhất mà người đến tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân, gia đình mà là trao tặng những giọt máu đào quý giá, góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt, riêng có của lễ hội Xuân hồng, ông Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Với những ý nghĩa to lớn đó, từ năm 2010 đến nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã chỉ đạo và đưa lễ hội Xuân hồng thành một chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện trên cả nước. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã, đang chọn Xuân hồng làm chương trình hiến máu khởi động cho một mùa Xuân mới; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cũng hưởng ứng sự kiện này.

Thích nghi với tình hình mới

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ năm 2020 thay vì tổ chức hiến máu trong ít ngày tại một địa điểm, lễ hội Xuân hồng được tổ chức kéo dài tại nhiều địa điểm, thuận lợi cho người dân tham gia, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Lễ hội Xuân hồng năm nay được tổ chức sớm nhất, ngay sau Tết và kéo dài nhiều ngày nhất (9 ngày).

Trong những ngày chương trình diễn ra tại Hà Nội, dù thời tiết mưa, lạnh nhưng vẫn có rất đông người dân tới các điểm hiến máu, chia sẻ những giọt máu quý giá của mình cho người bệnh cần máu.

Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội Trịnh Xuân Thủy cho biết, năm 2022, lễ hội Xuân hồng bước sang giai đoạn mới, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, vận động; luôn cố gắng đổi mới sáng tạo; không ngừng kiên trì cống hiến để kịp thời thích ứng an toàn, vừa đảm bảo lượng máu tiếp nhận theo nhu cầu nhưng vẫn tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Trong những ngày chuẩn bị lễ hội Xuân hồng, hàng nghìn tình nguyện viên của Hội đã kêu gọi bạn bè, người thân tham gia; đăng tải, lan tỏa các hình ảnh hiến máu nhằm tạo chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trên mạng xã hội. Đây cũng là năm đầu tiên lễ hội Xuân hồng được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán; theo lịch đi làm thì các thành viên chỉ có 5 ngày để chuẩn bị. Chính vì thế, Ban Tổ chức quyết định phát động Tháng cao điểm vận hộng hiến máu lễ hội Xuân hồng chứ không chỉ là tuần như trước đây. Do đó, các thành viên vừa vui đón Tết cùng gia đình vừa chuẩn bị tổ chức lễ hội Xuân hồng.

Năm 2022, lễ hội Xuân hồng kỷ niệm 15 năm "Hành trình trao đời sự sống" đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một chương trình vận động hiến máu sáng tạo; tinh thần, ý chí quyết tâm của mỗi thành viên làm nên chương trình, anh Trịnh Xuân Thủy nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh chia sẻ, trải qua 15 năm duy trì và phát triển, lễ hội Xuân hồng cũng trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Từ sự chưa ủng hộ của xã hội, thiếu thốn về nhân lực, vật lực; sự ảnh hưởng của dịch bệnh… nhưng đến nay lễ hội vẫn được yêu mến, hưởng ứng mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Ông Bạch Quốc Khánh khẳng định, lễ hội Xuân hồng đã hoàn thành sứ mệnh với 3 mục tiêu lớn: Góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng ngay sau dịp Tết Nguyên đán; thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu trong dịp Tết. Lễ hội cũng là cơ hội để diễn tập các biện pháp huy động người hiến máu; phương pháp tổ chức tiếp nhận người hiến máu với nhiều quy mô, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa…

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện) cho rằng, qua 15 kỳ tổ chức, lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia, số người đăng ký hiến máu, đơn vị máu tiếp nhận được ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng nhân ái, sẻ chia giọt máu đào cho người bệnh và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đó là nét đẹp văn hóa nhân dịp đầu Xuân.

Bà Bùi Thị Hòa hy vọng với cột mốc quan trọng - hành trình 15 năm trao đời sự sống, lễ hội Xuân hồng sẽ tiếp tục được nhân rộng, trở thành hoạt động hết sức có ý nghĩa, thiết thực, lan tỏa và khẳng định thương hiệu của Hội Chữ thập đỏ, Bộ Y tế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong những hoạt động hiến máu nhân đạo.

M.H (TTXVN)