08:22 25/08/2021

12.115 ca khỏi bệnh xuất viện cùng một lúc ở Bình Dương

Tối 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thông tin trong ngày có 12.115 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 44.853 người. Qua đó cho thấy, công tác tập trung điều trị đang đạt những kết quả khả quan.

Chú thích ảnh
Lực lượng thanh niên tình nguyện thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương phối hợp lấy mẫu tìm F0 tại 11 phường đang được “khóa chặt” ở Bình Dương do F0 quá nhiều.

Hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày

Trong 24 giờ qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục ghi nhận 4.129 ca mắc mới. Trong đó, số ca mắc tập trung nhiều nhất qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng với 2.128 ca (chiếm 51,5%) và trong khu phong tỏa 1.405 ca (chiếm 34%). 484 ca là kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 11,7%) và 112 ca tại cơ sở y tế (chiếm 2,7%). Thành phố Thuận An đang là điểm nóng ghi nhận lên đến 1.976 ca trong ngày 25/8, tăng 151,7%; tiếp đến là thành phố Dĩ An 855 ca, tăng 145%; thị xã Tân Uyên 533 ca.

Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 15.641 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 5.852 bệnh nhân, tầng 2 có 9.029 bệnh nhân và tầng 3 có 760 bệnh nhân. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 81.182 ca mắc COVID-19; 670 bệnh nhân tử vong.

Với mục tiêu không để người dân nào chịu đói trong những ngày thực hiện "khóa chặt" để dập dịch, lực lượng chức năng thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên đã triển khai phân phát hàng hóa cho người dân 11 phường đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng” với trên 700.000 người. Các phần hỗ trợ gồm gạo, thực phẩm, gia vị, nước uống... tương đương với 50.000 đồng/người/ngày. Theo nhiều người dân phản ánh, việc cấp phát gạo và thực phẩm kịp thời đã phần nào giảm bớt lo lắng, giúp bà con an tâm hơn về phòng, chống dịch trong 15 ngày giãn cách "khóa chặt, đông cứng".

Thần tốc xét nghiệm tìm F0 trong cộng đồng

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương theo phương châm “ 4 tại chỗ”.

Tỉnh yêu cầu thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm đủ oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này; tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng; bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng. Các địa phương khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động, trước mắt bố trí ngay tại các phường tăng cường giãn cách xã hội…

Tỉnh Bình Dương cho biết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thời gian qua, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn; theo đó cần chấn chỉnh khâu tổ chức từ các cơ quan, đơn vị, địa phương và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp…

Tin, ảnh: Chí Tưởng (TTXVN)