10:09 06/10/2012

12.000 thợ mỏ Nam Phi bị sa thải vì đình công

Ngày 5/10, Tập đoàn khai thác bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum (Amplats) đã sa thải 12.000 công nhân tham gia đình công tại Nam Phi, một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng đình công trên quy mô lớn đang lan rộng trên cả nước.

Ngày 5/10, Tập đoàn khai thác bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum (Amplats) đã sa thải 12.000 công nhân tham gia đình công tại Nam Phi, một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng đình công trên quy mô lớn đang lan rộng trên cả nước.

 

Theo phát ngôn viên Mpumi Sithole của Amplats, quyết định trên được đưa ra sau khi công ty này nhiều lần kêu gọi các công nhân tham gia đình công quay trở lại làm việc.

 

Hàng ngàn công nhân mỏ ở Nam Phi đình công đòi nâng lương. Nguồn: Internet.

 

Trong khi đó, theo người phát ngôn của Liên đoàn thợ mỏ quốc gia Nam Phi (NUM) Lesiba Seshoka, vào tối 5/10, một lãnh đạo của tổ chức này đã bị sát hại gần Marikana, nơi hồi tháng trước đã có 46 người thiệt mạng trong vụ bãi công tại khu mỏ của công ty Lonmin.

 

Cuộc đình công đòi tăng lương tại khu mỏ của tập đoàn này nổ ra từ ngày 12/9 với sự tham gia của khoảng 28.000 công nhân. Đã có một người thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa công nhân và cảnh sát tại khu mỏ. Theo Amplats, tập đoàn này đã thiệt hại tới 80 triệu USD kể từ khi bùng nổ các cuộc đình công của thợ mỏ.

 

Trong bối cảnh làn sóng đình công đòi tăng lương của công nhân mỏ đang lan rộng trên phạm vi cả nước, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ngày 4/10 đã kêu gọi các bên cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại Johannesburg, ông Duma đã cảnh báo làn sóng đình công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thu hút đầu tư vào nước này.

 

Làn sóng đình công lan rộng thời gian qua đã làm cho GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này giảm 5%. Các nhà phân tích kinh tế bày tỏ lo ngại nếu đình công lan sang lĩnh vực khai thác than thì mức độ sẽ hết sức nghiêm trọng, bởi nhiệt điện đang đóng góp tới 85% sản lượng điện của Nam Phi.

 

 

TTXVN/Tin tức