01:16 04/01/2020

110 người tử vong do tai nạn đường sắt trong năm 2019

Trong năm 2019, cả nước xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 3 vụ so với năm 2018 (tương đương giảm 1,15%), làm 110 người chết, 180 người bị thương.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được tổ chức ngày 4/1, tại Hà Nội, một trong những thành tích nổi bật của ngành đường sắt trong năm 2019 được các đại biểu thống nhất là tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), đặc biệt số người chết giảm mạnh với mức hơn 9%. 

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa tại Km 1208+900 xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên vào lúc 14 giờ ngày 3/1/2019 khiến anh Đặng Văn Viên tử vong tại chỗ. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, năm 2019, lĩnh vực an toàn giao thông đường sắt tiếp tục được quan tâm thông qua nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Ngành đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 270 đường ngang có biển báo thành đường ngang có gác hoặc lắp cần chắn tự động; bàn giao hiện trạng lối đi tự mở cho 34 tỉnh, thành phố quản lý...

Trong năm 2019, cả nước xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 3 vụ so với năm 2018 (tương đương giảm 1,15%), làm 110 người chết, giảm 12 người (9,84%) và bị thương 180 người, giảm 3 người (1,64%). Trong đó, tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan là 10 vụ,  khách quan là 247 vụ và do dự cố chạy tàu là 1.021 vụ, giảm 284 vụ (21,76%).

Về kết quả kinh doanh, VNR đạt sản lượng hơn 8.400 tỷ đồng, doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, bằng 97,2% so với kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân của người lao động là 9,12 triệu đồng/tháng.

Đề cập đến việc sản lượng và doanh thu của ngành không đạt kế hoạch đề ra, đại diện VNR cho hay, mặc dù các đơn vị vận tải đường sắt đã tích cực tìm kiếm và khai thác thêm các luồng hàng mới và sản phẩm mới, nhưng chưa đủ để bù đắp được sự sụt giảm của luồng hàng truyền thống như: apatit, phân bón, xi măng… hoặc mất hẳn luông hàng như: gỗ, than, xăng dầu... Về vận tải hành khách của ngành cũng sụt giảm do hệ số sử dụng chỗ thấp.

Năm 2020, ngành đường sắt phấn đấu giảm tai nạn giao thông đường sắt ít nhất 5% ở cả 3 tiêu chí; tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt; đẩy mạnh khai thác hàng hóa liên vận quốc tế. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh...

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, ngành đường sắt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế. Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé.

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và mong các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ Tổng công ty sớm trình Chính phủ Đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới”, bà Nguyễn Thị Phú Hà chia sẻ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, đường sắt có đặc thù so với các loại hình giao thông. Vấn đề khó khăn nhất của ngành đường sắt là thay đổi tư duy, nhìn nhận của xã hội về vai trò của ngành. Đầu tư cho ngành đường sắt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên vẫn chưa tương xứng. Ngành đường sắt tin rằng sẽ thay đổi được sự nhìn nhận của xã hội về một phương thức vận tải chủ đạo, nhưng đòi hỏi cần có thời gian, tinh thần đoàn kết, kiên trì cùng như sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành.

Về giải pháp thực hiện các nhiệm vụ năm 2020, đại diện VNR cho hay, Tổng công ty đường sắt Việt Nam dự kiến không xây dựng biểu đồ chạy tàu mới mà điều chỉnh cục bộ biều đồ chạy tàu năm 2019 để phù hợp với nhu cầu chạy tàu của các đơn vị vận tải, khắc phục sự cố gây tắc đường và kế hoạch phong tỏa khu gian đặc biệt khi triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc gói đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt 7.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ điều hành giao thông vận tải; tập trung khai thác đầu máy hiệu quả nhằm giảm chi phí nhiên liệu, góp phần giảm chi phí sức kéo; nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa dịch vụ hỗ trợ tại các ga để tăng doanh thu từ dịch vụ gia tăng vận tải…

Quang Toàn (TTXVN)