12:10 01/12/2022

11 tháng, giải ngân vốn FDI cao nhất trong 5 năm

Theo số liệu kinh tế 11 tháng của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh
Thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh tư liệu: Đồng Thúy/TXVN

Trái ngược với vốn đăng ký, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỷ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỷ USD, chiếm 7,3%.

Lý giải về tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giảm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, so với mức giảm 5,4% của cùng kỳ tháng 10/2022, vốn FDI có sự cải thiện khi nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy các thủ tục đăng ký dự án.

Nhờ vậy, vốn đăng ký cấp mới có sự phục hồi rõ nét khi tăng 14,9% về số dự án (1.812 dự án) và giảm 18% về vốn đăng ký (11,52 tỷ USD), thấp hơn đáng kể khi so với mức giảm 23,7% trong 10 tháng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính hai dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái, là Dự án Điện LNG Long An I và II với số vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II với số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,76 tỷ USD, chiếm 13,1%; các ngành còn lại đạt 4,29 tỷ USD, chiếm 20,4%.

Trong khi đó, sau 11 tháng, tổng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 7% so với cùng kỳ, đạt gần 4,08 tỷ USD. Số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đạt 3.298 lượt, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Tổng tổng vốn FDI đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị trí “quán quân” trong thu hút FDI với số vốn đăng ký đạt 6,52 tỷ USD, chiếm 56,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 18,2%; các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 25,2%.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ, với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021. Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đan Mạch...

Thúy Hiền  (TTXVN)