07:11 01/07/2019

1.037 cầu dân sinh xóa cầu tạm tại 50 địa phương đã hoàn thành

Hợp phần xây dựng cầu dân sinh xóa 2.174 cầu tạm tại 50 tỉnh, trị giá 245,5 triệu USD do Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện từ năm 2017 – 2020 đến nay đã vượt mục tiêu đề ra về tiến độ, chất lượng và số lượng cầu được xây dựng, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới xây dựng nông thôn mới.

Video ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thông tin về hợp phần dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hợp phần cầu dân sinh là 1 trong 3 hợp phần chính thuộc Dự án Xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.

50 tỉnh thực hiện dự án gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quang Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp và Bến Tre.

Chú thích ảnh
Cầu Hả xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) đang được xây dựng.

Sau 2 năm thực hiện, đến nay, hợp phần đã triển khai nhanh hơn kế hoạch 1 năm so với mục tiêu chung của dự án. Tổng số cầu đã khởi công đến thời điểm này là 1.840 cầu, đạt 85% số lượng cầu tối thiểu của dự án. Số cầu đã hoàn thành là 1.037 cầu so với kế hoạch là 1.000 cầu, đã bàn giao đưa vào khai thác 865 cầu. Dự kiến đến hết năm 2019, sẽ có khoảng 1.800 cầu được hoàn thành, vượt mức yêu cầu là 1.600 cầu.

"Đặc biệt, trong quá trình đấu thầu hợp phần cầu, các địa phương đã tiết kiệm và xây thêm được khoảng 270 cây cầu. Hết năm 2020, hợp phần dự án sẽ hoàn thành được 2.444 cây cầu, vượt số cầu thực hiện trong dự án LRAMP so với Hiệp định (2.174 cầu). Dự án LRAMP tại Việt Nam được WB đánh giá cao về tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, các vấn đề về môi trường, giá thành và chất lượng công trình”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Chú thích ảnh
Cầu Chăm Khon xã Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) đang được xây dựng.

Các cầu dân sinh hoàn thành, sử dụng đã góp phần hiệu quả giúp các địa phương vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, phục vụ kịp thời chủ trương xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mong muốn Chính phủ đồng thuận cho phép vay vốn WB tiếp tục thi công khoảng 1.600 cầu còn lại (trên tổng số 4.145 cây cầu được Chính phủ phê duyệt) để giúp các đồng bào dân tộc được hưởng sự quan tâm của xã hội, nâng cao đời sống văn hóa.

Chú thích ảnh
Cầu chưa hoàn thành, người dân vẫn đi xe máy qua sông, tiềm ẩn nhiều tai họa.

Qua tìm hiểu thực tế thi công dự án huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tại các cầu Chôn Ang - Chằm Khon, cầu Chằm Khon thuộc xã Cấm Sơn và cầu Hả thuộc xã Tân Sơn, được biết, trước khi xây dựng các cầu này, việc đi lại của nhân dân tại địa phương này gặp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa lũ, các hộ dân phải cùng nhau lắp ghép những cây tre, nứa thành bè để qua dòng nước xiết, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, kinh tế của bà con nơi đây phụ thuộc nhiều vào việc canh tác cây ăn quả, mỗi vụ mùa thu hoạch, việc vận chuyển sản phẩm đi bán khó khăn. Nhiều mùa vụ, nông dân phải chứng kiến sản phẩm hoa quả hỏng, vứt bỏ từng ngày hoặc phải bán đổ bán tháo chỉ vì không thể đưa hàng hóa qua dòng suối dữ.

Video người dân xã Cấm Sơn nói về hiệu quả của cầu dân sinh Chằm Khon:

Ông Ngô Thành Duy, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh được giao thực hiện 38 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP, với tổng mức đầu tư hơn 126 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giao trách nhiệm cho các huyện, xã tuyên truyền, để người dân hiến đất, hiến vườn tược, cây cối; đồng thời, dùng kinh phí địa phương để rà phá bom mìn, đảm bảo an toàn trong xây dựng cầu. Hầu hết, các cầu dân sinh hoàn thành tại địa phương hiện đều phát huy hiệu quả kinh tế, giúp giao thông miền núi được thông suốt bốn mùa. Đến nay không còn tình trạng được mùa mất giá, kể cả trong mùa mưa lũ.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức