11:13 27/11/2021

100 ngày Taliban lên nắm quyền: Afghanistan đứng trước loạt thách thức lớn

Afghanistan đứng trên bờ vực khủng hoảng kinh tế, đói nghèo, an ninh và dịch bệnh sau 100 ngày Taliban lên nắm quyền tại Kabul.

Chú thích ảnh
Phụ nữ nhận lương thực cứu trợ tại Jalalabad, Afghanistan, ngày 20/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/8, Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội, lực lượng vũ trang Afghanistan dưới quyền Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani. Việc tiếp quản, chuyển giao quyền lực được thực hiện êm thấm, không có đụng độ, tạo cho người dân nước này hy vọng về một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn.

Thế nhưng hy vọng đó không kéo dài được lâu, khi Taliban ra mắt chính phủ mới, với nhiều cương vị chủ chốt rơi vào tay thủ lĩnh của mạng lưới Haqani nằm trong diện trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc. Cho đến nay, một số ít các nước đã nối lại phái bộ ngoại giao, bày tỏ mong muốn tái mở cửa đại sứ quán ở Afghanistan. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một nước nào chính thức lên tiếng công nhận chính quyền Taliban.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan rơi vào tình cảnh bị cô lập quốc tế. Chính quyền mới không chấp nhận nhiều điều kiện mà bên ngoài đưa ra, coi đây là cách mà một số bên muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan. Đơn cử, một trong những điều kiện then chốt Mỹ đưa ra, lấy đó là tiêu chí để khôi phục hợp tác với Afghanistan, chính là việc Taliban phải bảo đảm các quyền cho phụ nữ và trẻ em gái về giáo dục, việc làm và không được phép để Afghanistan thành nơi chứa chấp, ẩn náu của quân khủng bố. Mỹ hiện vẫn đóng băng số tài sản 9,5 tỉ USD của Afghanistan được gửi tại các ngân hàng Mỹ.

Afghanistan đang phải đối diện với các nguy cơ đến từ khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng với những đe dọa về an ninh khác, thể hiện rõ qua các vụ tấn công liều chết nhằm vào một số cơ sở tôn giáo ở Nengarhar, Kandahar, Kunduz và mới đây là vụ tấn công bằng bom nhằm vào mục tiêu dân sự ở Kabul. Người dân Afghanistan lo sợ mạng sống không được bảo đảm, chính quyền chưa đủ khả năng để kiểm soát tình hình. Mối nguy lớn nhất sẽ là nội chiến, khi IS tăng cường hoạt động chống phá ở Afghanistan.

Quốc gia Nam Á này cũng đang phải đối diện với thảm họa kinh tế, với một nền kinh tế què quặt, bên bờ sụp đổ. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, người dân Afghanistan gần như không rút được tiền từ ngân hàng, do tình hình tài chính kiệt quệ trong cả hệ thống, nguồn ngoại tệ dự trữ bốc hơi nhanh chóng. Tình trạng nợ lương công chức, viên chức làm việc cho chính quyền diễn ra phổ biến. Đồng nội tệ của Afghanistan mất giá, rớt xuống mức thấp nhất trong hai thập kỉ qua. Giá nhiên liệu, lương thực đã tăng 75%, do đây là mặt hàng chủ yếu phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, từ tháng 4 vừa qua, Afghanistan bước vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3. Theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ lây nhiễm ở Afghanistan đã đạt mức cao kỉ lục, với chỉ có khoảng 5% dân số nước này hoàn tất tiêm chủng vaccine. Chiến dịch tiêm chủng gần như ngưng lại sau khi Taliban lên nắm quyền, do các nhà tài trợ ngừng cung cấp vaccine, trong khi chính quyền lâm vào tình cảnh thiếu hụt nguồn tài chính. Bệnh viện do Nhật Bản tài trợ xây dựng đã bị ngừng lại, trong khi đây là cơ sở duy nhất được trang bị các phương tiện, vật tư chuyên phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nhìn tổng thể, diễn biến hiện nay cho thấy Afghanistan đang ở vào tình cảnh nguy cấp. Chính quyền mới do Taliban lập ra vẫn chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất và chưa đủ sức để xử lý khủng hoảng, các kịch bản diễn biến phức tạp khi thiếu sự hỗ trợ tức thời của quốc tế. Nghèo đói, khủng hoảng kinh tế sẽ lại là nguồn cơn kích thích, lôi kéo nhóm thất nghiệp, thiếu an sinh xã hội gia nhập IS hay các tổ chức nổi dậy khác. Nếu Talian không có giải pháp và cộng đồng quốc tế chưa giúp đỡ, phía trước vẫn là những khó khăn, thách thức chờ đợi Afghanistan.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Eurasia)