01:09 24/01/2015

100 ngày năng động, quyết đoán và may mắn

Ngày 23/1 đánh dấu 100 ngày Tổng thống Indonesia Joko Widodo chính thức nhậm chức.

Ngày 23/1 đánh dấu 100 ngày Tổng thống Indonesia Joko Widodo chính thức nhậm chức. Bất chấp những lời chỉ trích trước đó rằng ông là một “đối thủ nhẹ cân” không có kinh nghiệm, nhưng có thể nói, ông đã cứng rắn hơn, quyết đoán hơn và may mắn hơn bất cứ ai mong đợi. Nhiều người dân đất nước "vạn đảo" thừa nhận rằng về tổng thể, tân Tổng thống đã làm tốt trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền và đã tạo được những dấu ấn trong điều hành đất nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo được người dân yêu mến. Ảnh: The Economist.


Mặc dù lên cầm quyền trong bối cảnh có nhiều thuận lợi về chính trị, nhưng từ những ngày đầu tiên điều hành, Tổng thống Joko Widodo đã phải tập trung giải quyết nhiều khó khăn, thách thức và những vấn đề đã tồn tại như việc làm, xóa đói giảm nghèo, tham nhũng, cân bằng quan hệ với các nước lớn…

Do đó ông buộc phải có những điều chỉnh về chính sách. Các chính sách về đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh bước đầu đã có những điều chỉnh khác với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Trước tiên là việc xác định tạo dựng một đất nước Indonesia với vị trí và vai trò ngày càng được khẳng định trong khu vực và thế giới.

Tổng thống Joko đã được đánh giá ấn tượng từ sự lựa chọn gây tranh cãi của ông đối với vị trí Tư lệnh Cảnh sát quốc gia (POLRI) đến việc tuyệt đối không khoan dung với những vấn đề ảnh hưởng đến quốc gia. Điển hình là sự quyết đoán trong việc thực hiện những chương trình cải cách của Tổng thống đã tạo sự lạc quan và nguồn sinh lực mới đối với cuộc chiến chống nạn tham nhũng.

Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Jokowi đã thực hiện hàng loạt chính sách tập trung củng cố và xây dựng đoàn kết tòan dân, tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội để phát triển đất nước, cắt giảm các thủ tục hành chính quan liêu, đẩy mạnh chống tham nhũng, xây dựng bổ sung một số điều luật mới cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Về kinh tế, từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Joko Widodo đã chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó, tập trung phát triển kinh tế biển, mở rộng ngành chế tạo và từng bước giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu như than, cao su, dầu cọ, quặng; tăng cường thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm sản xuất trong nước.

Các chính sách của Tổng thống Jokowi về kinh tế và tài chính ngân hàng đã nhận được những phản hồi tốt và đánh giá cao, vì vậy giới chuyên gia tin rằng tỷ lệ lạm phát vào cuối năm 2015 sẽ được kiềm chế ở mức 4% (cộng trừ 1%), tài khoản vãng lai cũng được đảm bảo chỉ số an toàn trong suốt năm 2015. Tuy nhiên, ông cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi thực hiện chính sách tăng giá nhiên liệu. May mắn thay, giá dầu thế giới đã giảm mạnh vào thời điểm đó và có thể coi đó là một thời điểm chiến lược.

Tổng thống Joko Widodo trao thẻ an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: Jakarta Post.


Trong lĩnh vực thương mại, những nỗ lực để tăng xuất khẩu sang thị trường phi truyền thống và chưa được khai thác tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh đó, Indonesia cũng nỗ lực thu hút vốn nước ngoài bằng cam kết của chính phủ về đơn giản hóa việc cấp phép và tạo ra dịch vụ thuận lợi. Chính phủ cũng không quên tiếp tục thực hiện những bước đi chuẩn bị cho việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN thời điểm cuối năm nay cùng với việc tiến hành sửa đổi một số luật về dầu khí, dầu tư, phát triển ngành khai thác dầu khí…

Chính sách ngoại giao của ông Jokowi tập trung nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia trong chính trị, tự chủ trong kinh tế và tăng cường bảo hộ công dân. Ngoại giao Indonesia theo hướng khẳng định một quốc gia hàng hải với việc phát huy thế mạnh vị trí chiến lược giữa Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Cam kết và quyết tâm thực thi luật biển nhằm chống nạn đánh bắt cá trái phép và bày tỏ quan điểm cứng rắn trong cuộc chiến chống khai thác trái phép tài nguyên biển của chính quyền Jokowi cũng là một điểm nhấn trong những ngày đầu nhậm chức của ông Jokowi.

Về quốc phòng, Tổng thống Joko Widodo chủ trương tiếp tục thực hiện chiến lược quân sự phòng thủ toàn diện với 4 mục tiêu ưu tiên: Xây dựng, phát triển quân đội trở thành lực lượng hùng mạnh; đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước; độc lập, tự cường về quốc phòng; chính sách quốc phòng không tách rời an ninh quốc gia.

Với những bước khởi đầu lãnh đạo tương đối thuận lợi và may mắn, nhưng các chuyên gia phân tích nhận định trong năm nay, Chính phủ Jokowi sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết là những tác động tiêu cực không tránh khỏi của tình trạng suy thóai kinh tế tòan cầu, trong đó có việc suy thoái sẽ dẫn tới những thay đổi trong chính sách của các nước đối với Indonesia.

Trong khi đó, kinh tế trong nước đang phát triển với tốc độ không bền vững và có xu hướng tiếp tục chậm lại. Do phải thực hiện các chỉ tiêu đã cam kết trong quá trình tranh cử như tăng tiền lương, giảm trợ giá… nên nguy cơ thiếu hụt ngân sách là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, tình hình chính trị nội bộ Indonesia vẫn tồn tại những bất ổn nhất định. Liên minh đối lập lợi dụng việc kiểm soát quốc hội để tăng cường chống đối, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các chính sách.

Nhà phân tích chính trị Paul Rowland nhận định trên tờ "Jakarta Post" ngày 23/1 rằng: "Tổng thống Jokowi đã cho thấy rằng ông cực kỳ năng động và trong 3 tháng qua, ông đã làm được nhiều hơn so với những gì các chính phủ trước đã làm trong ba năm cuối cùng của họ".

Có vẻ lời nhận định này là ưu ái với Tổng thống Jokowi, nhưng người dân Indonesia đang đặt nhiều hy vọng vào vị Tổng thống mới của mình, người không xuất thân từ tầng lớp “dòng dõi” nhưng đã tạo được phong cách riêng và niềm tin trong điều hành quốc đảo 250 triệu dân.


Đỗ Quyên
(P/v TTXVN tại Indonesia)