08:19 29/08/2017

100 ngày đầu cầm quyền đầy thách thức của Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trải qua 100 ngày đầu nắm quyền với khá nhiều khó khăn và thách thức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù sự tín nhiệm của công chúng đối với ông có phần suy giảm song nhiều người cho rằng, 100 ngày đầu của Tổng thống Macron không hẳn chỉ là sóng gió, ông cũng đã biến được những điều đã cam kết khi tranh cử trở thành hiện thực.

Điểm sáng đối ngoại

Ngày 14/5/2017, ông Emmanuel Macron chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống trẻ nhất nước Pháp trong sự ủng hộ tuyệt đối của cử tri. Trong 100 ngày đầu cầm quyền, Tổng thống Macron ngoài việc thể hiện mình là một nhà lãnh đạo tài giỏi, quyết đoán, có thể biến những cam kết đầy tham vọng trong thời gian tranh cử trở thành hiện thực, ông đã có những nỗ lực lớn để thúc đẩy vị thế của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới.


Sự kiện Tổng thống Pháp Macron đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở điện Versailles vào cuối tháng 5/2017, mời Tổng thống Mỹ Donad Trump tham dự lễ duyệt binh trên Đại lộ Champ- Élysées vào ngày Quốc khánh Pháp (14/7) hay tới Italy hồi tháng 6/2017 dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển (G20)… cho thấy nỗ lực của ông chủ Điện Elysée trong việc đưa nước Pháp trở lại vị trí trung tâm trên trường quốc tế.


Đáng chú ý trong chuyến công du tới Italy, Tổng thống Macron đã nhận được nhiều sự tán thưởng của cộng đồng quốc tế khi thể hiện tốt diện mạo nguyên thủ của một quốc gia trụ cột trong Liên minh châu Âu (EU). Hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ tuổi, lịch thiệp trong giao tiếp nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước đã khiến ông Macron ghi điểm trong mắt nhiều nguyên thủ quốc gia khác.


Đặc biệt hơn, Tổng thống Pháp cũng nhanh chóng dẹp tan những tin đồn về sóng gió trong mối quan hệ Mỹ-Pháp sau khi Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP-21). Ông Macron đã khéo léo tận dụng thời điểm chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ Donald Trump tới Paris hồi tháng 7/2017 để giành được sự đồng thuận của ông chủ Nhà Trắng trong nhiều vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là trong công cuộc chống khủng bố.


Quan trọng hơn cả, giữa những bất ổn liên quan đến vấn đề Brexit, cam kết của Tổng thống Macron với châu Âu và mối giao tình gần gũi cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay sau khi ông vừa nhậm chức (hồi giữa tháng 5/2017) đã gieo hy vọng cho nhiều người về sự hồi sinh của trục Pháp-Đức, nền tảng đã xây dựng nên EU ngày nay.


Ngoài ra, ông Macron cũng tích cực vận động để Paris có thể giành quyền đăng cai Thế vận hội 2024 và trở thành trung tâm tài chính của châu Âu thay cho London.


Nhìn chung, dư luận Pháp và thế giới đánh giá khá tích cực việc Tổng thống Macron thay đổi quan điểm theo chủ nghĩa thực tế về các vấn đề quốc tế.


Sụt giảm uy tín với chính sách đối nội


Mặc dù thể hiện được hình ảnh của nước Pháp trên trường quốc tế, song Tổng thống Macron cũng đã phải đối mặt với không ít sóng gió trong lòng nước Pháp. Môt loạt các cải cách của ông đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt.


Lên nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổng thống Macron đã cam kết thúc đẩy cải cách sâu rộng đất nước với trọng tâm hướng đến là Luật lao động, Luật chống khủng bố và đạo đức hóa đời sống chính trị. Đến nay, ông Macron đã hiện thực hóa được những cam kết của mình khi dự luật về cải cách lao động đã được Quốc hội Pháp thông qua. Theo ông Macron, việc cải cách bộ luật lao động chính là nhằm để "cởi trói" cho thị trường lao động và coi đây là chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp.


Tuy nhiên, dự luật cải cách lao động này cũng đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp vì cho rằng dự luật mới đã đi quá xa, quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động.


Sau đó, dự luật nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị quốc gia mà ông theo đuổi cũng đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên việc này cũng được cho là xóa bỏ nhiều đặc quyền của các nghị sĩ nên cũng đã gặp phải sự phản kháng từ chính các nghị sỹ trong Quốc hội Pháp.


Bên cạnh đó, kế hoạch cắt giảm ngân sách của ông Macron cũng được cho là không hề thuận lợi khi rơi vào một cuộc tranh cãi với tướng Pierre de Villiers, tổng tư lệnh quân đội Pháp, và chính điều đó khiến vị Tướng này đi đến quyết định từ chức. Điều này cũng khiến uy tín của ông Macron sụt giảm bởi trước đó ông đã hứa sẽ giữ nguyên khoản ngân sách này.


Sau đó nữa là sự phản đối và khiếu nại của nhiều nhóm người dân khác nhau về các vấn đề thuế, đặc biệt là những người về hưu phản đối việc tăng thuế đối với họ. Thị trưởng, đặc biệt là của các thành phố nhỏ và các khu định cư, đã chỉ trích gay gắt việc Tổng thống Macron quyết định cắt giảm trợ cấp.

Tổng thống Emmanuel Macron và Đệ nhất phu nhân.

Ngoài ra, ông Macron cũng vấp phải chỉ trích liên quan đến quyết định trao cho người vợ - Brigitte Macron - chức danh Đệ nhất phu nhân nước Pháp. Theo báo Financial Times đánh giá, những quy định cụ thể thành văn bản do Điện Elysee công bố ngày 21-8 vừa qua nhằm làm rõ vị trí Đệ nhất Phu nhân Pháp đã vượt xa những nhiệm vụ thông thường của các vị phu nhân tổng thống trước đó, như tổ chức các sự kiện quan trọng hay tham vấn cho chồng các vấn đề giáo dục, y tế và văn hóa… Vấp phải sự chỉ trích của công chúng, Tổng thống Pháp đã phải rút lại ý định trao cho vợ chức danh Đệ nhất phu nhân nước Pháp.


Kết quả thăm dò dư luận của viện Ifop công bố ngày 27-8 vừa qua cho thấy tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron trong tháng 8 này đã giảm thêm 14% xuống mức 40%, sau khi giảm mạnh 10% hồi tháng 7. Đây là cuộc thăm dò dư luận trên Internet và điện thoại được thực hiện các ngày 25 và 26-8 theo đặt hàng của tờ Journal du Dimanche, thu hút sự tham gia của 1.023 người. Theo đó, tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ Tổng thống Macron đã giảm tổng cộng 22% kể từ khi Ifop thăm dò dư luận lần đầu tiên cách đây 3 tháng, khi ông mới đắc cử Tổng thống và giành được sự mến mộ của 62% cử tri Pháp. Đây được xem là mức lao dốc kỷ lục trong lịch sử Pháp kể từ năm 1995.


Chỉ có 4% số người được hỏi cho biết "rất hài lòng" về nhà lãnh đạo Macron, trong khi 36% ngỏ ý hài lòng một phần nào đó với ông, giảm lần lượt 3% và 11% so với tháng 7 vừa qua.


Nhìn chung, tổng kết lại 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp Emmanuel Macron, các nhà phân tích đều cho rằng, ông đã gặp phải không ít điều trắc trở. Tuy nhiên, cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Vì vậy, những bước đi đầu tiên để cải cách của Tổng thống Macron vấp phải sự phản đối cũng là điều dễ hiểu.

Trọng Đức (TTXVN)