05:00 19/05/2011

10 vụ bê bối chính trị lớn nhất thế giới trong hơn 50 năm qua

Ngày 18/5 (giờ Việt Nam), tờ "Thời báo Kinh doanh Quốc tế" (Mỹ) cho biết, từ đầu năm 1962 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 10 vụ bê bối chính trị lớn nhất liên quan đến các nhân vật "tai to mặt lớn" ở các nước như Anh, Mỹ, Italia, Đức và gần đây là Pháp.

Ngày 18/5 (giờ Việt Nam), tờ "Thời báo Kinh doanh Quốc tế" (Mỹ) cho biết, từ đầu năm 1962 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 10 vụ bê bối chính trị lớn nhất liên quan đến các nhân vật "tai to mặt lớn" ở các nước như Anh, Mỹ, Italia, Đức và gần đây là Pháp.

1. Vụ Profumo (Anh):

Ông Profumo tại Văn phòng Chiến tranh năm 1960


Tháng 12/1962, Johnny Edgecombe, một tay trùm buôn lậu ma túy ở thủ đô Luân Đôn của Vương Quốc Anh, đã bắn nhiều phát đạn vào căn hộ của người yêu cũ vốn là gái điếm tên là Christine Keeler. Sau khi điều tra, Cơ quan An ninh Anh phát hiện cô gái "làng chơi" Keeler có quan hệ với Bộ trưởng phụ trách Chiến tranh John Profumo của Chính phủ Anh và ông Yevgeny Ivanov, một nhân viên tình báo Nga đang làm việc trong Sứ quán Nga tại Luân Đôn. Sự việc thu hút sự quan tâm của công chúng Anh nhiều tháng và cuối cùng ông Profumo buộc phải từ chức.

2. Vụ Giulio Andreotti (Italia):

Thủ tướng Đức Helmut Kohl và Thủ tướng Italia Giulio Andreotti (trái) tại Bonn tháng 10/1989


Ông Giulio Andreotti từng là Thủ tướng Italia trong những năm 1970 và từ năm 1989-2002. Mặc dù trong thời gian đang tại chức, nhưng năm 1979 ông Andreotti đã bị cơ quan an ninh điều tra về tội giết hại một nhà báo, người tố cáo ông Andreotti có quan hệ với mạng lưới băng đảng tội phạm Mafia, và một trường hợp bắt cóc. Năm 1999, ông Andreotti được một phiên tòa xử trắng án nhưng phiên tòa phúc thẩm năm 2002 đã kết án 25 năm tù giam và đến năm 2003 lại được một phiên tòa khác tuyên bố trắng án. Bất chấp những lời tố cáo nghiêm trọng của dư luận, ông Andreotti vẫn tại vị hàng thập kỷ.

3. Vụ Günter Guillaume (Đức):

Ông Günter Guillaume (trái) tháng 4/1974


Năm 1974, Cơ quan Phản gián Tây Đức phát hiện ông GünterGuillaume, trợ lý của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, thực tế là một sĩ quan tình báo của cơ quan tình báo Đông Đức. Sai lầm nghiêm trọng của Thủ tướng Brandt là chỉ quyết định trợ lý Guillaume từ chức chứ không xét xử để bảo vệ uy tín của ông ta.

4. Vụ Iran-Contra (Mỹ):

Tiêu đề một số bài viết về vụ Iran-Contra trên báo chí Mỹ


Tháng 11/1986, dư luận Mỹ phát hiện Chính quyền Tổng thống Ronald Reagan bí mật tạo thuận lợi cho việc bán các loại vũ khí của Mỹ cho Iran để đổi lấy việc phóng thích các con tin Mỹ, đồng thời cho phép cơ quan tình báo Mỹ cung cấp tiền bạc cho lực lượng Nicaragoa Contras. Theo các đạo luật của Mỹ, việc bán các loại vũ khí cho Iran và cung cấp tiền bạc cho lực lượng Nicaragoa Contras là vi phạm luật pháp. Một số quan chức chính quyền Reagan đã bị kết án nhưng bản thân Tổng thống Reagan lại thoát tội.

5. Vụ Phó Tổng thống Spiro Agnew (Mỹ):

Phó Tổng thống Mỹ thứ 39, Spiro Agnew (cầm micro), từ 1969-1973


Ông Spiro Agnew, Phó Tổng thống thứ 39 của Mỹ, dưới Chính quyền Richard Nixon, đã trở thành Phó Tổng thống Mỹ duy nhất buộc phải từ chức vì bị tố cáo phạm tội nhận hối lộ và trốn thuế năm 1973.

6. Vụ Watergate (Mỹ):

Các phóng viên Nhà Trắng theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon trên truyền hình vể vụ Watergate ngày 30/4/1973


Năm 1974, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải từ chức vì vụ bê bối "Watergate". Nixon là tổng thống Mỹ đầu tiên từ chức kể từ thời Tổng thống Andrew Johnson (1865). Các nhân viên của Nixon bị tố cáo âm mưu thâm nhập Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ để đánh cắp tin tức về cuộc bầu cử sắp tới nhằm chống lại đảng này và tìm cách che giấu tội trạng của họ. Tổng thống Nixon bị cáo buộc liên quan đến việc che giấu âm mưu chống đảng Dân chủ. Năm 1974, Nixon từ chức nếu không sẽ bị kết tội và bị đuổi khỏi Nhà Trắng.

7. Vụ Tổng thống Mỹ Bill Clinton (Mỹ):

Một tấm ảnh chụp Bill Cliton và Monica Lewingsky tại Phòng Bầu dục năm 1997


Năm 1998, khi vụ bê bối tình ái liên quan đến Monica Lewinsky bùng nổ, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng lớn của Mỹ liên tục đưa tin về vục việc trong nhiều tháng. Vấn đề nổi bật của vụ bê bối là Tổng thống Bill Clinton cũng không nói thật về vụ việc và sau đó buộc phải thú nhận khi có kết quả xét nghiệm DNA. Sau đó Nhà Trắng buộc tội ông Clinton và đưa ông ta ra xét xử tại Thượng viện liên tục 21 ngày vì phản bội lời hứa khi nhậm chức và gây trở ngại cho những lời buộc tội của tòa án. Tuy nhiên, cuối cùng ông Clinton được trắng án.

8. Vụ bê bối chi tiêu của Quốc hội Anh:

Ông Michael Martin và Hạ viện Anh tháng 5/2009


Năm 2009, việc rò rỉ thông tin liên quan đến các khoản chi tiêu trong Quốc hội của các nghị sĩ gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công chúng Anh. Theo luật pháp Anh, các nghị sĩ được trợ cấp kinh phí thuê nhà để thực hiện nhiệm vụ công. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ vi phạm trắng trợn quy định này, chẳng hạn họ nhận các khoản kinh phí nhưng không thuê nhà để thực nhiệm vụ công, dẫn đến những lời tố cáo thanh toán giả mạo. Sau đó, chủ tịch Hạ viện Michael Martin buộc phải từ chức và đây là trường hợp đầu tiên xẩy ra trong 300 năm qua ở Anh.

9. Vụ Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi (Italia):

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi bị tố cáo liên quan đến nhiều vụ việc như câu kết với mạng lưới băng đảng tội phạm mafia, nhận hối lộ và gian lận thuế. Gần đây nhất trong năm 2011, ông Berlusconi bị tố cáo chủ trì các cuộc truy hoan trác táng liên quan đến một cô gái 17 tuổi, Karima el-Mahroug. Ông thú nhận đã trả tiền để làm tình với cô gái và sau đó lạm dụng quyền lực trong tay để cho phép cô ta ra khỏi nhà tù khi cô ta bị buộc tội trộm cắp.

10. Vụ tấn công tình dục của ông Dominique Strauss-Kahn (Pháp):

Khách sạn Sofitel New York, nơi xảy ra vụ án liên quan đến ông Kahn


Tháng 5/2011, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Strauss-Kahn bị tố cáo tấn công tình dục một nữ phục vụ buồng phòng trong một khách sạn ở khu vực Quảng trường Thời đại thuộc thành phố New York, Mỹ.

Nguyễn Hữu Trung
(P/v TTXVN tại Mỹ)