10:11 02/10/2014

10 sự thực về biểu tình 'Chiếm Trung tâm' ở Hong Kong

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã bước sáng ngày thứ năm mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi người tuần hành kiên quyết buộc Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh phải từ chức. Dưới đây là những điểm khái quát về chiến dịch này.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã bước sáng ngày thứ năm mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi người tuần hành kiên quyết buộc Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh phải từ chức. Dưới đây là những điểm khái quát về chiến dịch này.

1. Bản chất của chiến dịch Chiếm Trung tâm

Khởi nguồn với tên gọi "Chiếm Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa bình", phong trào này được coi là một chiến dịch bất tuân dân sự mà ở đó các thủ lĩnh muốn huy động người ủng hộ tiến hành biểu tình ngồi, phong tỏa quận Trung tâm, coi đây là công cụ để buộc chính quyền Trung ương Trung Quốc cho phép Hong Kong có được quyền bầu cử phổ thông thật sự. 

2. Thủ lĩnh

"Chiếm Trung tâm" (Occupy Central) do giáo sư luật Benny Tai Yiu-ting, nhà xã hội học, Tiến sĩ xã hội học Chan Kin-man thuộc  và Bộ trưởng Phụ trách giáo hội Reverend Chu Yiu-ming lãnh đạo. Cùng lúc, Hiệp hội Sinh viên Hong Kong và giới học giả đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này. 

Chan Kin-man (trái) và Benny Tai xuất hiện trước sinh viên hôm 28/9. Ảnh: AFP


3. Người khởi xướng

Benny Tai là người đề xuất ý tưởng "Chiếm Trung tâm" hồi năm ngoái, thông qua bài bình luận có tiêu đề “Bất tuân dân sự là vũ khí quyền lực nhất”. 

4. Diễn biến

Lúc đầu, các thủ lĩnh biểu tình dự định phát động biểu tình vào 1/10, đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch được khởi động sớm hơn, ngay sáng sớm ngày 28/9, sau khi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên trong một cuộc tuần hành. 

Quang cảnh cuộc biểu tình hôm 28/9. Ảnh: AFP


5. Số người tham dự

Các nhà tổ chức cho biết, có khoảng 30.000 người tụ tập biểu tình trong ngày đầu tiên của chiến dịch. Đám đông sau đó tăng lên 50.000 người sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay nhằm vào đoàn biểu tình. 

6. Địa điểm diễn ra

Người biểu tình khởi đầu bằng việc chiếm giữ các trục đường chính bên ngoài Trụ sở Chính quyền ở Admiralty (Kim Chung), sau đó lan sang Quận Trung tâm, Wan Chai (Vạn Chài), Causeway Bay (Vịnh Đồng La) trên đảo Hong Kong. Một số nhóm khác phong tỏa các giao lộ trên đường Nathan thuộc Mongkok (Vượng Giác).

7. Đòi hỏi của người biểu tình

Họ đòi Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh phải từ chức, yêu cầu chính quyền Trung ương Trung Quốc rút lại quyết định về tổ chức bầu cử ở Hong Kong vào năm 2017 mà theo đó người dân sẽ bỏ phiếu bầu trưởng đặc khu từ 2-3 ứng cử viên, được đề cử bởi một ủy ban gồm 1.200 người do Bắc Kinh chỉ định. Ngoài ra, người biểu tình cũng kêu gọi công nhân, giáo viên, học sinh, sinh viên đình công.

Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh trước sức ép phải từ chức. ảnh: SCMP


8. Dư luận trái chiều

Chính quyền Trung ương Trung Quốc coi phong trào "Chiếm Trung tâm" là bất hợp pháp. Giới doanh nhân Hong Kong cảnh báo hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Nhiều cư dân bản địa lên tiếng phàn nàn về việc cuộc sống thường nhật bị đảo lộn do việc phong tỏa đường xá. 

9. Điều đang diễn ra

Người biểu tình chưa tỏ dấu hiệu sẽ rời đi. Họ đề ra hạn chót là tối ngày hôm nay (2/10) để ông Lương Chấn Anh từ chức; nếu không người biểu tình sẽ chiếm trụ sở Văn phòng Trưởng đặc khu. Giới chức Hong Kong cho biết không có kế hoạch kêu gọi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc trợ giúp giải tán người biểu tình. 

10. "Chiếm Trung tâm" và cái gọi là  “Cách mạng ô”

Ảnh: SCMP


Chiến dịch này đôi khi còn được mô tả là “Cách mạng ô”. Nguyên do là một số người biểu tình đã dùng ô để chống lại hơi cay từ cảnh sát trong ngày đầu tiên nổ ra biểu tình. 


HT (Theo SCMP)