01:16 04/01/2011

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2010 (do TTXVN bình chọn)

1- Hoàn tất Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng nhằm tổng kết toàn diện quá trình phát triển của đất nước 5 năm qua...

1- Hoàn tất Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng nhằm tổng kết toàn diện quá trình phát triển của đất nước 5 năm qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ của các ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ảnh: Thái Bình - TTXVN


2- Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam thành công tốt đẹp. Với việc chủ trì thành công hơn 100 hội nghị và sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN, Việt Nam ghi dấu ấn về một nước Chủ tịch ASEAN chủ động, tích cực, có trách nhiệm, hoàn thành tốt các mục tiêu của Hiệp hội năm 2010. Thành công của Việt Nam góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các Trưởng đoàn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 chụp ảnh chung. Ảnh: Đức Tám-TTXVN


3- Tổ chức trọng thể Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều hoạt động mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi đã được tổ chức ở trong và ngoài nước, đặc biệt trong 10 ngày Đại lễ, hơn 60 công trình chào mừng được khánh thành trong năm 2010. Các hoạt động này thể hiện lòng thành kính, truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn của lớp con cháu đối với những thế hệ đi trước đã hy sinh vì một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Khối diễu hành mang hình Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam trên Quảng trường Ba Đình tại Lễ diễu binh, diễu hành sáng 10/10/2010 chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Không khí hân hoan chào mừng Thăng Long-Hà Nội tròn 1000 năm tuổi của người dân Thủ đô trong Lễ diễu binh, diễu hành sáng 10/10/2010. Ảnh: Quang Hải - TTXVN

4- Kinh tế phục hồi, GDP tăng trưởng trên 6,7%. Kinh tế Việt Nam phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều bất ổn sau suy thoái. Mười sáu trong số 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao do những diễn biến phức tạp của thị trường, tác động mạnh đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Thu hoạch cá ở Giao Thủy (Nam Định). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


5- Đưa vào hoạt động hai công trình trọng điểm quốc gia. Từ ngày 17/12, Tổ máy số 1 công trình thủy điện Sơn La, với tổng công suất thiết kế 2.400 MW, bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, sớm hai năm so với dự kiến. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước, trong năm đầu vận hành đã sản xuất được 6,75 triệu tấn sản phẩm, xuất bán hơn 6,66 triệu tấn xăng, dầu các loại.

Quang cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long - TTXVN

Đêm trên công trình thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


6- LHQ ghi nhận Việt Nam đi đầu trong thực hiện MDGs. Tại Hội nghị cấp cao LHQ kiểm điểm 10 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) ở New York tháng 9/2010, Việt Nam được đánh giá là một điển hình, hoàn thành sớm 5 trong tổng số 8 MDGs và về cơ bản có thể hoàn thành hết các mục tiêu vào năm 2015. Hai mục tiêu được thực hiện thành công nhất là xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục.

Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh An Giang được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhiều trang thiết bị để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Phát triển nuôi tôm chân trắng ở Quảng Bình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


7- Nhiều di sản Việt Nam được UNESCO ghi danh. Với bốn di sản được UNESCO công nhận, Việt Nam lập kỷ lục trong hành trình đưa di sản Việt Nam ra thế giới. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Những "bức tường" núi đá trên cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Thanh Hà – TTXVN

Bắc Môn - một trong những cổng thành còn lại của Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


8- Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng toán học Fields. Giáo sư Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi toàn cầu này. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng toán học thế giới đối với việc chứng minh thành công công trình “Bổ đề cơ bản”, điểm mấu chốt trong “Chương trình Langlands” (chương trình thống nhất lý thuyết số và lý thuyết nhóm) của Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (trái) trao Giải thưởng Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hội nghị các nhà Toán học Quốc tế. Ảnh: AFP-TTXVN

9- Mưa lớn, lũ lụt chưa từng có trong hơn 100 năm qua ở miền Trung. Lũ lụt dồn dập, kéo dài trong các tháng 10 và 11 tàn phá nhiều tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn về người và của, làm 198 người chết, 35 người mất tích, 197 người bị thương, gây thiệt hại về vật chất trên 13.500 tỷ đồng.

Nhà cửa của nhân dân huyện Hương Khê ngập trong lũ dữ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

10- Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Các cơ quan chức năng đã xử lý những sai phạm nghiêm trọng của Vinashin, đồng thời Chính phủ có biện pháp tái cơ cấu tập đoàn này nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đưa ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển trở thành ngành mũi nhọn của kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Hoàn thiện tàu Red Diamond được đóng mới tại Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long. Ảnh: Hà Thái – TTXVN