12:17 31/12/2010

10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2010 (do TTXVN bình chọn)

ASEAN phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn. Trong năm qua, ASEAN đã nỗ lực thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN; tăng cường quan hệ với các đối tác...

1- ASEAN phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn. Trong năm qua, ASEAN đã nỗ lực thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN; tăng cường quan hệ với các đối tác; thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu; và tăng cường đoàn kết, nâng cao vị thế, và bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Toàn cảnh Phiên họp các Trưởng đoàn ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


2- Căng thẳng gia tăng tại khu vực Đông Bắc Á.

Vụ tàu chiến Cheonan Hàn Quốc bị chìm ngày 26/3 làm 46 thủy thủ thiệt mạng và vụ đấu pháo ngày 23/11 giữa hai miền Triều Tiên khiến cho tình hình khu vực Đông Bắc Á và quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở nên cực kỳ căng thẳng.


Đây được coi là những diễn biến nghiêm trọng nhất ở bán đảo Triều Tiên kể từ khi Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953.

Trục vớt phần đuôi tàu Cheonan ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Quân đội CHDCND Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong trong vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên ngày 23/11. Ảnh: AFP/TTXVN


3- Tiết lộ của WikiLeaks gây chấn động thế giới.

Việc WikiLeaks, một website đăng ký tại Thụy Điển chuyên đăng tải các thông tin nhạy cảm và bí mật cấp chính phủ, tiết lộ hàng loạt dữ liệu về cuộc chiến của Mỹ ở Ápganixtan và Irắc cũng như những điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ, gây chấn động dư luận thế giới và đặt ra câu hỏi lớn về khả năng bảo mật trong kỷ nguyên công nghệ số.

Ông Julian Assange, người sáng lập mạng WikiLeaks, tại cuộc họp báo ở Luân Đôn (Anh) ngày 23/10. Ảnh: AFP/TTXVN


4- Khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu.

Khủng hoảng nợ công nổ ra ở Hy Lạp sau đó lan tới Ailen và đang đe dọa nhiều nền kinh tế châu Âu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực đồng tiền chung châu Âu.


Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải hỗ trợ hàng trăm tỷ euro để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng và nhiều nền kinh tế khu vực này phải thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Người dân Hy Lạp xuống đường biểu tình tại Thessaloniki, phản đối việc chính phủ nước này áp dụng những biện pháp kinh tế khắc khổ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso gặp Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (trái) tại Brucxen (Bỉ) ngày 17/3 để thảo luận về việc EU giúp Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.


5- Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) thay đổi chiến lược.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 11/2010 thông qua chiến lược mới nhằm đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống và khởi động lộ trình rút quân khỏi cuộc chiến tại Ápganixtan sau gần 10 năm can dự mà không đạt được mục tiêu. Theo đề xuất của NATO, Nga đồng ý hợp tác với hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Cuộc họp Hội đồng NATO - Nga trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Lixbon (Bồ Đào Nha) tháng 11. Ảnh: AFP/TTXVN


6- Mỹ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu khỏi Irắc.

Ngày 19/8, lính chiến Mỹ rút khỏi Irắc sau hơn 7 năm Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Xađam Hútxen (Saddam Hussein). Cuộc chiến có mức chi phí lên tới 737 tỷ USD này đã làm ít nhất 4.413 lính Mỹ thiệt mạng và 31.897 người bị thương.

Các đơn vị chiến đấu Mỹ rút khỏi Irắc. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân Irắc ăn mừng tại thủ đô Bátđa sau khi lính chiến đấu Mỹ rút khỏi Irắc. Ảnh: AFP/TTXVN


7- Cuộc giải cứu thần kỳ 33 thợ mỏ tại Chilê.

Sau 70 ngày mắc kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất tại khu mỏ San Jose, 33 thợ mỏ Chilê đã được giải cứu thành công, đánh dấu nỗ lực phi thường của con người với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại.

Tổng thống Chilê Sebastian Pinera chúc mừng anh Florencio Avalos (giữa, mặc trang phục thợ mỏ), người đầu tiên được đưa lên mặt đất ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Chilê Sebastian Pinera (phải) bên ông Luis Urzua, người thợ mỏ cuối cùng được đưa lên mặt đất ngày 13/10. Ảnh: AFP/TTXVN


8- Động đất ở Haiti cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.

Năm 2010 thế giới phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên tồi tệ. Kinh hoàng nhất là vụ động đất mạnh nhất trong vòng 200 năm qua ở Haiti khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng. Cũng trong năm qua, động đất ở Chilê, núi lửa hoạt động trở lại ở Hy Lạp, Aixơlen, Inđônêxia, lũ lụt ở các nước châu Á đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Tìm cứu các nạn nhân trong trận động đất ở thủ đô Poóctô Pranhxơ (Haiti). Ảnh: THX-TTXVN


9- Vụ nổ giàn khoan của BP trên Vịnh Mêhicô.

Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của BP ở Vịnh Mêhicô ngày 20/4 đã gây ra thảm hoạ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử. Ước tính khoảng 200 triệu galon dầu thô đã tràn ra và trôi dạt không kiểm soát trên biển. Vụ tràn dầu này đã khiến toàn bộ khu vực bờ biển bang Louisiana của Mỹ hứng chịu thảm họa sinh thái nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Giàn khoan DeepWater Horizon bốc cháy ngày 9/6.
Ảnh: AFP/TTXVN

 
10- Lần đầu tiên thu được phản vật chất. Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu công bố thu được 38 nguyên tử phản hydro và duy trì sự tồn tại của chúng trong 170 phần nghìn giây. Thành tựu này giúp các nhà vật lý phát triển, nhận biết sâu hơn về bản chất và nguồn gốc của vũ trụ.


Các nhà khoa học tin rằng khi vũ trụ ra đời cách đây gần 14 tỷ năm từ vụ nổ Big Bang, một lượng vật chất và phản vật chất ngang bằng nhau được tạo ra. Theo lý thuyết, phản vật chất là vật chất thông thường bị đảo ngược và khi các vật chất và phản vật chất gặp nhau, chúng ngay lập tức thủ tiêu nhau và tạo ra sự bùng nổ năng lượng.

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu sử dụng máy gia tốc hạt nhân tiến hành thí nghiệm tạo lại vụ nổ Big Bang.