12:16 29/12/2014

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2014

Giá dầu thô thế giới sụt giảm là một trong 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật nhất năm 2014.

1. Giá dầu thô thế giới giảm mạnh

Giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua, có thời điểm xuống dưới 60 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc và chưa tới 55 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất Kuwait "Al-Ahmadi" đang hoạt động. Ảnh: AFP/ TTXVN


Nguyên nhân chủ yếu là các nước giảm lượng tiêu thụ trong khi nguồn cung dồi dào. Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh tới nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

2. Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga

Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Nga cũng có hành động trả đũa. Các động thái này tác động đến tình hình kinh tế Nga và Liên minh châu Âu (EU), khiến số vốn chảy khỏi nền kinh tế Nga có thể lên tới 120 tỷ USD trong năm nay.

Các biện pháp trừng phạt này cộng với giá dầu sụt giảm đẩy đồng ruble xuống mức thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 80 ruble đổi 1 USD, và khiến kinh tế Nga có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

3. Fed chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE)


Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, từ tháng 11/2014, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) để kích thích kinh tế phát triển, sau ba đợt thực hiện, với tổng cộng 4.400 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế.

Lãi suất tại Mỹ, dự kiến sẽ tăng sau khi QE kết thúc, thu hút các dòng vốn đầu tư trở lại Mỹ, nhưng đồng thời có thể dẫn tới tình trạng thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi.

4. Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái mới

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu và nguy cơ giảm phát "rình rập", Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái mới và trở thành mối "đe dọa" lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang triển khai nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng theo chương trình tái cấp vốn theo mục tiêu, tiến hành chương trình mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo, đồng thời chuẩn bị cho khả năng khởi động một chương trình kích thích tăng trưởng quy mô lớn hơn.

5. Thế giới tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại

Trong bối cảnh vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu Doha bế tắc kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng liên kết kinh tế dưới hình thức các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực tiếp tục được thúc đẩy và dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Mỹ do dự trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa hai bên và ưu tiên cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Trong khi đó, ASEAN và các nước đối tác nghiên cứu Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

6. Liên minh kinh tế Âu - Á ra đời


Các lãnh đạo Nga, Belarus và Kazakhstan ngày 29/5/2014 đã ký thỏa thuận thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) và dự kiến liên minh sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015 với kỳ vọng sẽ là “một cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”, thiết lập những tuyến đường vận chuyển hậu cần thuận lợi, không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối những dòng chảy thương mại lớn của châu Âu và châu Á.

7. BRICS thành lập ngân hàng phát triển chung


Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ở Brazil tháng 7/2014, BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và nhất trí thành lập Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (CRA).

Việc thành lập NDB làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và CRA như một Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhỏ là bước đi đầu tiên của BRICS hướng tới việc tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu vốn do phương Tây chi phối.

8. Dịch bệnh Ebola đe dọa các nền kinh tế Tây Phi


Dịch bệnh Ebola đe dọa các nền kinh tế Tây Phi, ảnh hưởng đến du lịch và gây lo ngại trên toàn cầu. Sự bùng phát của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đã khiến hàng nghìn du khách hủy bỏ hoặc hoãn các chuyến bay đi và đến "lục địa Đen", ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Ebola tới bệnh viện ở Biankouma, Côte d’Ivoire. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo Ngân hàng Thế giới, bệnh dịch Ebola, nếu lan rộng ra bên ngoài Guinea, Liberia, và Siera Leone có thể gây thiệt hại lên đến 32,6 tỷ USD cho khu vực Tây Phi vào năm 2015.

9. Argentina vỡ nợ về mặt kỹ thuật

Argentina được coi là vỡ nợ về mặt kỹ thuật lần thứ hai trong 13 năm qua, sau khi cuộc đàm phán với các chủ nợ Mỹ thất bại, khiến nước này không thể thanh toán trước thời hạn chót (31/7/2014) khoản nợ 539 triệu USD cho các trái chủ đã tham gia chương trình tái cơ cấu nợ sau lần vỡ nợ năm 2001.

Tuy không gây tác động lớn tới các thị trường tài chính thế giới, song vụ việc này là hồi chuông cảnh báo tình trạng vay nợ quá nhiều và là bài học cho các nước đang sở hữu những khoản vay nước ngoài về việc vay nợ và xử lý nợ.

10. Bước tiến mới trong việc dỡ bỏ cơ chế bảo mật ngân hàng

Ngày 29/10/2014 tại "Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin trong lĩnh vực thuế" ở thủ đô Berlin của Đức, hơn 80 nước và vùng lãnh thổ đã ký và cam kết ký "Thỏa thuận Ủy quyền Đa phương" nhằm tiến tới chấm dứt cơ chế bảo mật ngân hàng.

Đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế trên toàn cầu, vốn làm các nước thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.


TTXVN/Tin tức