02:08 02/02/2012

10 năm gian nan của đồng euro

Cách đây 10 năm, đồng euro được coi như lá chắn chống lạm phát, là một loại "vũ khí" để làm đối trọng với đồng USD đang thống trị toàn thế giới và là chiếc "đũa thần" đem lại thịnh vượng kinh tế, tăng trưởng và việc làm.

Cách đây 10 năm, đồng euro được coi như lá chắn chống lạm phát, là một loại "vũ khí" để làm đối trọng với đồng USD đang thống trị toàn thế giới và là chiếc "đũa thần" đem lại thịnh vượng kinh tế, tăng trưởng và việc làm. 10 năm sau, các thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lần lượt mất điểm tín nhiệm AAA và đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nợ công. Ngay cả Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế của Eurozone cũng bị đe dọa. Trong mắt nhiều người Pháp, euro bị coi là nguyên nhân dẫn tới lạm phát, thu hẹp sức mua của các hộ gia đình, mặc dù ngày đầu tiên của năm 2002 họ đã từng hào hứng đón nhận một đơn vị tiền tệ mới - đồng euro.

Vật giá leo thang

Các nước Eurozone vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của đồng euro trong bầu không khí ảm đạm. 1/3 số dân Pháp được hỏi lo ngại đồng euro sẽ không còn tồn tại trong 10 năm tới. Tạp chí hướng dẫn người tiêu dùng Que Choisir, trong số đầu tiên năm 2012 nêu ra một vài con số đáng lo ngại: Giá một ổ bánh mì trong 10 năm qua nhảy vọt từ 4,39 franc Pháp, tương đương với 67 xu euro lên 85 xu euro, tăng 27%; giá một tách cà phê trong một thập niên tăng 45%. Đáng báo động hơn nữa là trong 10 năm qua, giá một kg táo tăng 65%, hay giá thịt gà hiện tại đắt gấp rưỡi so với 10 năm về trước.

Các loại tiền giấy và xu của đồng euro. Ảnh: Internet


Đó là những thực tế không thể chối cãi. Trong thời buổi khó khăn, khủng hoảng đã kéo dài từ mùa thu 2008, thất nghiệp không ngừng gia tăng, các bà nội trợ cảm thấy đời sống thêm chật vật kể từ khi đồng euro ra đời. Tại Pháp, nếu chỉ nhìn vào giá ghi trên các tấm biển ngoài chợ, giá lương thực, thực phẩm đã tăng 30% trong 10 năm qua. Thêm một dấu hiệu khác: Cách đây 10 năm một người hành khất trên các toa tàu métro Pari thường xin 1 hay 2 franc, giờ đây họ xin từ 1-2 euro để sống qua ngày.

Euro bị oan

Nhưng quy tất cả trách nhiệm cho đồng euro thì thực là oan cho đồng tiền chung châu Âu. Nhà kinh tế Philippe Moati, Giám đốc cơ quan nghiên cứu vật giá CREDOC tại Pháp, nêu lên những nguyên nhân khiến người tiêu dùng đổ lỗi cho đồng euro như sau:

Thứ nhất, trong thập niên qua, giá nguyên và nhiên liệu đã tăng nhiều chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của các nước đang trỗi dậy mà đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ hay Braxin. Bên cạnh đó, nếu nhìn vào sức mua thực thụ của người dân Pháp, thống kê cho thấy chỉ số giá cả thực sự trong 10 năm qua chỉ tăng 1,6%. Cùng lúc, sức mua của các hộ gia đình Pháp đã tăng 2% trong giai đoạn 2001 - 2011. Nói cách khác, các hộ gia đình Pháp không nghèo đi vì đồng euro. Một yếu tố thứ ba có thể bênh vực cho đồng euro là nhìn vào thời gian làm việc cần thiết để có thể mua được cùng một món hàng. Chẳng hạn để mua được một ổ bánh mì, cho dù là giá một ổ bánh đã tăng 27% trong một thập niên, nhưng với mức lương tối thiểu, giờ đây một người lao động ở Pháp có thể làm việc ít hơn 20 giây so với 10 năm về trước. Ngược lại để có được cùng một con gà như trước khi dùng đồng euro, người lao động phải làm việc nhiều hơn. Còn đối với các mặt hàng công nghiệp, vẫn theo nghiên cứu của tạp chí Que Choisir, nhờ có hàng nhập từ Trung Quốc và nhất là các làn sóng di dời cơ sở sản xuất mà người tiêu dùng ở Pháp có thể sắm máy thu hình, ô tô, tủ lạnh với giá rẻ hơn. Theo các chuyên gia, tại Pháp trong 10 năm qua, trung bình lạm phát hàng năm tăng 2% thay vì ở mức gần 10% trong thập niên 1980 - 1990.

Euro vẫn bị nhiều nghi kỵ

Hiện tại, 322 triệu dân tại 17 quốc gia sử dụng chung một đồng tiền. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tính đến giữa năm ngoái, có 870 tỷ euro được lưu hành; 27% dự trữ ngoại tệ của thế giới được tính bằng đồng tiền chung châu Âu. Trong 10 năm qua, đồng euro đã trở thành đơn vị tiền tệ thực thụ trong túi tiền của hàng trăm triệu người, nhưng vẫn chưa thực sự thu hút cảm tình của người dân: Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào đầu tháng 12/2011, tại Pháp, 36% người được hỏi có nguyện vọng được sử dụng lại đồng franc và 45% cho rằng euro là một “trở lực”. Ở bên kia bờ sông Rhin, tỷ lệ người thờ ơ với đồng tiền chung châu Âu còn cao hơn: 70% người được tham khảo ý kiến muốn quay lại với đồng mark. Đáng lo ngại hơn nữa là đã có khá nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã tính tới một kế hoạch B, trong trường hợp Eurozone tan rã.

10 năm là thời gian quá ngắn để đồng euro thực sự chinh phục được mọi nhà cho dù đơn vị tiền tệ này đã được “quảng cáo” rất kỹ trước khi thực sự đi vào hoạt động bên cạnh những đơn vị tiền tệ quốc tế khác như đồng USD hay yên Nhật Bản.

Trước hết đồng euro đã tạo tư thế vững vàng cho ngành xuất khẩu của châu Âu. Theo Viện Nghiên cứu CEPII của Pháp, đồng tiền chung châu Âu giúp trao đổi mậu dịch giữa 17 nước Eurozone tăng 6% trong 10 năm qua. Riêng với Pháp đó là một tiến bộ đáng kể vì gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Pháp là để bán ra cho các các nước trong khối. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, thị phần của Pháp bị thu hẹp lại do giá đồng euro cao hơn so với đồng USD và Pháp mất khả năng cạnh tranh đối với các mặt hàng trung cấp.
Một ưu thế thứ hai là với một đồng tiền chung, 322 triệu người sử dụng đồng euro không lo đơn vị tiền tệ của họ bị phá giá. Nhờ thế mà các khoản tiết kiệm không tan dần như tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Cũng chính vì không bị phá giá, mà thoạt đầu là 12 nước rồi đến 17 nước thành viên Eurozone đã không lao vào các cuộc chiến tương tàn trên mặt trận thương mại: Không một thành viên nào có thể điều chỉnh tỷ giá đồng tiền nhằm kích thích xuất khẩu. Vì khi một nước thao túng đồng tiền, lập tức các nước khác cũng sẽ lại phá giá đơn vị tiền tệ… và cuộc chiến thương mại leo thang.

Một lợi thế thứ ba mà đồng euro trong 10 năm qua đã đem lại cho người tiêu dùng, cho các nhà đầu tư tư nhân, cho các doanh nghiệp và kể cả các nhà nước đó là tất cả đã tiết kiệm được các khoản chi phí ngân hàng khi giao dịch bằng một đồng tiền duy nhất. Nhờ thế mà lãi suất tín dụng đã được giảm bớt so với thời gian trước khi đồng euro được lưu hành. Tuy nhiên, mặt trái là do tình trạng “tiền rẻ” mọi thành phần như đã được khuyến khích tiêu xài quá mức. Với hậu quả là nợ nần chồng chất và các dự án đầu tư quá tải đã dẫn tới hiện tượng như là vỡ bong bóng bất động sản tại Ailen hay Tây Ban Nha.

Chính thức lưu hành trên các sàn chứng khoán từ năm 1999, đồng euro chỉ thực sự được sử dụng tại 12 nước thành viên Eurozone vào ngày 1/1/2002 để thay thế đồng franc của Pháp, đồng Deutsch mark của Đức hay đồng lire của Italia. Khi đó, các chính khách cũng như các chuyên gia đã ca ngợi những lợi ích của việc sử dụng một đồng tiền chung: Như là ổn định về giá cả đối với người tiêu dùng, an toàn đối với các doanh nghiệp, đối với thị trường tài chính và nhất là đồng euro sẽ là “dấu ấn”, một niềm tự hào của cả một khu vực châu Âu. Những hứa hẹn với một đồng tiền mới đã tan biến. Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Hy Lạp vào năm 2010 và “đám cháy” đã lan rộng sang một số quốc gia khác trong suốt năm 2011 đã khiến những nghi kỵ đối với một đồng tiền còn quá mới lạ như euro lại dấy lên. Trong một thập niên qua, chưa bao giờ dư luận tại các nước bao quanh khu vực Địa Trung Hải lại tỏ ra hoài nghi đối với đồng euro như hiện nay.

Rạn nứt giữa các thành viên

Khủng hoảng nợ công tại Eurozone đã dấy lên nghi kỵ giữa các thành viên trong khối: Đức chỉ trích Hy Lạp và Italia lỏng lẻo trong chính sách chi tiêu, dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất và nhất là ỉ lại các nền kinh tế vững mạnh hơn trong khối vì cả Aten lẫn Rôma ý thức được rằng họ không thể bị bỏ rơi. Ngược lại, nhìn từ Hy Lạp hay Bồ Đào Nha và kể cả từ Pháp, thì Đức quá “ích kỷ”: Đức luôn coi trọng mục tiêu kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu và từ đó áp đặt chính sách tiền tệ, mô hình tài chính của chính mình với các thành viên khác, bất chấp đó là những nền kinh tế yếu hơn, và không có khả năng cạnh tranh cao như nước Đức. Trong khi ngành sản xuất và xuất khẩu của Đức đã hưởng lợi nhiều kể từ khi Eurozone ra đời. Là một nước xuất khẩu nhiều, nước Đức trong thập niên qua đã hưởng lợi nhờ đồng euro: Thủ tướng A. Merkel nhìn nhận là không chỉ các hãng lớn mà ngay cả các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ cũng đã có nhiều thuận lợi trong những năm qua nhờ vào một đồng tiền ổn định. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp không phải đau đầu vì tỷ giá hối đoái.
Một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Đức Metzler cho thấy, nhờ sử dụng một đơn vị tiền tệ chung, ngành công nghiệp ô tô Đức trong thập niên qua đã tiết kiệm được từ 300 - 500 triệu euro. Theo đánh giá của Cơ quan tư vấn McKinsay, trong 10 năm qua, 2/3 tăng trưởng của Đức có được là nhờ đồng euro. Cứ trên 100 euro hàng của Đức xuất khẩu, thì 40 euro là để bán cho các nước trong khối euro và 20 đồng xuất ra 10 nước còn lại của Liên minh châu Âu.

Riêng các nước vùng Địa Trung Hải thường phải đối mặt với lạm phát, nhờ có đồng euro và chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) những nước như Italia, hay Hy Lạp đi vay với lãi suất thấp và do đó đã dư dả để nhập hàng của Đức. Nhưng ngay cả đối với Đức, euro không phải là chiếc đũa thần: Bản thân nước Đức đã có nhiều bước cải tổ sâu rộng để duy trì khả năng cạnh tranh cao. Chính phủ của cựu Thủ tướng G.Schroider ngay từ năm 2003 đã kiên quyết cải tổ luật lao động, kéo dài thời gian làm việc của giới làm công ăn lương.

Nhưng có lẽ cốt lõi của vấn đề không xuất phát từ một đơn vị tiền tệ mà khủng hoảng hiện nay là hậu quả của những tính toán sai lầm từ đầu: Ngay từ đầu thập niên 1990, khi hệ thống tiền tệ chung châu Âu còn phôi thai, các nhà lãnh đạo châu Âu khi đó đã lầm tưởng rằng các nước sử dụng đồng euro không cần phải phối hợp chính sách kinh tế, không cần phải đặt ra vấn đề đồng nhất các khoản ngân sách chi tiêu công cộng.

Để đến khi khủng hoảng tài chính Hy Lạp lan tới tận Italia - nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone - thì giới lãnh đạo mới hốt hoảng tìm lối thoát hiểm.

TKT