11:09 19/11/2010

10 bài học từ suy thoái kinh tế

Theo báo Bưu điện quốc gia (Canađa), Hội đồng hội nghị Canađa, một tổ chức chuyên nghiên cứu và phân tích kinh tế, vừa cho ra mắt cuốn sách mang tên "Khủng hoảng và những bài học can thiệp từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế".

Theo báo Bưu điện quốc gia (Canađa), Hội đồng hội nghị Canađa, một tổ chức chuyên nghiên cứu và phân tích kinh tế, vừa cho ra mắt cuốn sách mang tên "Khủng hoảng và những bài học can thiệp từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế". Cuốn sách bao gồm những phân tích "mổ xẻ" của các nhà kinh tế thuộc tổ chức này về cuộc khủng hoảng vừa qua.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tình trạng suy thoái kinh tế sau đó cho thấy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa kinh tế và tài chính hiện nay, việc thiết kế các chính sách công đóng một vai trò quan trọng. Chính sách công yếu kém tạo điều kiện dẫn đến khủng hoảng, trong khi các chính sách công tốt vạch ra các hành động để đối phó với khủng hoảng. Theo ông John Manley, Chủ tịch Hội đồng các giám đốc điều hành Canađa, cuốn sách này giải thích rõ rằng nhà nước và khu vực tư nhân đều có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Đỉnh điểm của suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính có thể đã qua, tuy nhiên cái chưa qua là nhu cầu thích nghi, cách thức hành động và tự đề phòng để tránh những ảnh hưởng xấu nhất của cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới.

Thứ nhất, chính sách tài chính lành mạnh là chìa khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Ví dụ chi tiêu kích thích tài chính của Canađa, cùng với lãi suất thấp kỷ lục, đã hỗ trợ nước này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc suy thoái và thúc đẩy nền kinh tế.

Thứ hai, suy thoái kinh tế chỉ trì hoãn sự thiếu hụt lao động. Việc nhiều người lao động đồng loạt đến tuổi về hưu sẽ buộc giới chủ phải cạnh tranh khốc liệt hơn để giành những lao động lành nghề và tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách phải cải cách thị trường lao động và các chính sách nhập cư.

Thứ ba, ngành tài chính là đặc biệt bởi nó tương tác với tất cả các thành phần khác trong nền kinh tế nên phải được đối xử khác biệt so với các ngành khác thông qua quy định và sự minh bạch hơn.

Thứ tư, các thể chế tài chính nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tín dụng khi các tổ chức cho vay tư nhân đã cạn vốn, nhưng các tổ chức này phải tồn tại từ trước khủng hoảng. Việc chính phủ thành lập các thể chế này một cách khẩn cấp là quá chậm. Canađa đã có những tổ chức tài chính nhà nước như Ngân hàng phát triển xuất khẩu và Ngân hàng phát triển doanh nghiệp nhờ vậy đã có sự hỗ trợ đặc biệt trong thời gian khủng hoảng.


Thứ năm, sự phối hợp chính sách giữa các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã giúp đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Khi nền kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng, có nguy cơ sự phối hợp này sẽ bị suy yếu.

Thứ sáu, các công ty có thể trở thành "quá lớn nên không thể phá sản" gây phí tổn nghiêm trọng cho một nền kinh tế. Như vậy, nhà nước cần hạn chế rủi ro hệ thống của các tổng công ty ngay từ trước khi xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Thứ bảy, các quan hệ thương mại quốc tế đã đẩy các nước vào sự suy thoái sâu rộng hơn, nhưng cũng chính những mối quan hệ này có thể ngăn các chính phủ ban hành các chính sách bảo hộ. Những quan hệ này có thể giúp nền kinh tế Canađa và toàn cầu thoát khỏi suy thoái và phục hồi.

Thứ tám, các chính quyền địa phương chưa có được tiềm năng về tài chính để giúp đưa địa phương mình thoát khỏi suy thoái.

Thứ chín, các nhà hoạch định chính sách phải có những thay đổi chính sách tài chính và tiền tệ ngay từ khi bắt đầu suy thoái bởi tâm lý của người tiêu dùng và các nhà đầu tư là nhân tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ suy thoái.

Cuối cùng, các chính phủ phải bắt đầu thực thi những biện pháp nghiêm khắc nhưng cần thiết để kiểm soát các khoản nợ và thâm hụt của họ.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)