06:09 02/06/2011

ZigZag - Điệp viên hai mang thành công nhất của tình báo Anh - Kỳ 1: Tên tội phạm trở thành điệp viên

Chuyện gián điệp làm việc cho nhiều phía không phải là hiếm trong Thế Chiến II, song không nhiều người biết tới ZigZag, điệp viên hai mang quan trọng nhất và thành công nhất của nước Anh có mật danh "loằng ngoằng" như chính cuộc đời nhân vật này.

Chuyện gián điệp làm việc cho nhiều phía không phải là hiếm trong Thế Chiến II, song không nhiều người biết tới ZigZag, điệp viên hai mang quan trọng nhất và thành công nhất của nước Anh có mật danh "loằng ngoằng" như chính cuộc đời nhân vật này.

Sinh ngày 16/11/1914 tại Burnopfield, hạt Durham ở đông bắc nước Anh, Edward Arnold 'Eddie' Chapman từng là thành viên của lực lượng Cận vệ Coldstream trước khi bỏ trốn và trở thành một tội phạm chuyên nghiệp với hàng loạt những vụ đột nhập phá két sắt bằng thuốc nổ gêlinhit. Kỹ năng trộm cắp giúp hắn kiếm được bộn tiền để có cuộc sống của một tay chơi giàu sang ở Soho.

Điệp viên hai mang "ZigZag" Eddie Chapman.


Thế nhưng lưới trời lồng lộng, cảnh sát Anh đã tóm được Chapman vào tháng 2/1939, sau một thời gian hắn trốn chui lủi tại Jersey thuộc quần đảo Channel. Hoàn cảnh tên tội phạm này rơi vào tay cảnh sát cũng mang nhiều bất ngờ. Trước đó, Eddie Chapman ăn tối cùng người yêu và cũng là vị hôn thê tương lai Betty Farmer tại khách sạn de la Plage thì lực lượng cảnh sát xông vào nhưng hắn kịp thời trốn thoát bằng cách phóng mình ra khỏi cửa sổ phòng ăn. Quá vênh vang trước may mắn này, hắn đã làm một vụ trộm vặt ngay tối hôm đó nhưng cuối cùng đã chịu thúc thủ trước lực lượng cảnh sát Jersey.

Văn bản đề nghị MI5 sử dụng Chapman làm điệp viên hai mang.


Theo hồ sơ cảnh sát, Chapman có rất nhiều biệt danh từ các vụ án hắn gây ra, trong đó gồm có Edward Edwards, Arnold Thompson và Edward Simpson. Tòa án Jersey đã tuyên phạt hắn 2 năm tù, cộng thêm 1 năm cho tội vượt ngục bất thành tháng 9/1939. Thời điểm Đức xâm chiếm quần đảo Channel, Chapman đang ngồi bóc lịch và đến tháng 10/1941 thì được ra tù. Vụ trộm tại quần đảo Channel cũng chính là sự kiện giúp hắn tránh được nguy cơ lĩnh bản án ít nhất 14 năm tù tại Anh sau khi thụ án xong ở nhà tù Jersey.

Cuộc sống tại quần đảo Channel bị chiếm đóng rất khắc nghiệt và Chapman cố tìm cách trở lại Anh. Nhưng hắn chưa kịp làm gì thì đã bị người Đức đưa tới Fort de Romainville ở Pari (nước Pháp lúc đó cũng đang bị Đức chiếm đóng) cùng một vài người khác. Với bản chất cơ hội ngấm sâu trong máu, hắn đã xung phong làm gián điệp cho người Đức và cuối cùng cũng được cơ quan mật vụ Abwehr tuyển dụng. Lúc đó Abwehr đang ở vào tình thế tuyệt vọng do mạng lưới điệp viên của cơ quan này tại Anh chỉ thu được tin tức tình báo chất lượng rất thấp. Và điều quan trọng hơn là cơ quan tình báo MI5 đã tóm được gần hết các điệp viên Đức tại Anh và tuyển dụng một vài người trong đó làm điệp viên hai mang mà người Đức không hề hay biết.

Áp phích tuyển mộ lực lượng Cận vệ Coldstream năm 1914.


Sau một năm ròng được huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ, liên lạc điện đài, nhảy dù và nhiều nội dung khác tại La Bretonnière, gần thành phố Nantes (Pháp), Chapman được gắn cho mật danh Fritzchen (nghĩa là Fritz nhỏ). Abwehr coi Chapman là một ứng cử viên lý tưởng để làm điệp viên. Hắn tuyên bố thù địch với nước Anh, bởi lúc đó hắn vẫn nằm trong diện bị cảnh sát Anh truy nã. Bên cạnh đó, những mối quan hệ với thế giới tội phạm ngầm đã giúp hắn tăng điểm trong mắt người Đức, bởi điều đó đồng nghĩa với việc hắn có thể giúp tình báo Đức tuyển thêm điệp viên. Đồng thời, Chapman còn có “thế mạnh” là khả năng sử dụng thuốc nổ điêu luyện. Cụ thể, người Đức muốn hắn tấn công nhà máy sản xuất máy bay De Havilland tại Hertfordshire, nơi cho ra đời những chiếc máy bay ném bom Mosquito đáng sợ.

Ngày 16/12/1942, Chapman nhảy dù xuống một cánh đồng tại Cambridgeshire. Thế nhưng thay vì lặn sâu vào thế giới tội phạm ngầm như cấp trên người Đức của hắn mong đợi thì Chapman lại tự nộp mình cho cảnh sát và MI5. Hơn nữa, chuyến nhảy dù của Chapman đã được biết từ trước đó, khi người Anh chặn thu và giải mã được những bức điện mật của Đức. Nhờ vậy, họ đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để "chào đón" điệp viên Fritzchen, người sẽ trở thành điệp viên hai mang quan trọng nhất của nước Anh trong Thế Chiến II.

Quang Minh (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Đức "ăn no" thông tin giả