01:11 19/01/2012

Yên Bái: “Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch”

Chương trình liên kết “Du lịch về cội nguồn năm 2011” của ba tỉnh: Yên Bái- Lào Cai- Phú Thọ với nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút trên 7,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 2.100 tỷ đồng.

Chương trình liên kết “Du lịch về cội nguồn năm 2011” của ba tỉnh: Yên Bái- Lào Cai- Phú Thọ với nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút trên 7,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011, Yên Bái là nhóm trưởng của chương trình liên kết đã tổ chức nhiều hoạt động tham gia khảo sát kết nối vòng cung Tây Bắc mở rộng để đa dạng hóa sản phẩm và nối tour, thu hút được trên 367.000 lượt khách, trong đó gần 18.000 lượt khách quốc tế, tăng 17% so với năm trước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thắng (ảnh), Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Yên Bái về việc khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh trong thời gian tới.


Thưa ông, thông qua chuỗi sự kiện phát động “Du lịch về cội nguồn 2011”, du lịch Yên Bái chú trọng điểm nhấn nào để tạo sự khác biệt?

Qua đợt khảo sát “Vòng cung Tây Bắc” mở rộng vừa rồi trong chương trình hợp tác 8 tỉnh. Du lịch Yên Bái được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng khai thác khu lòng hồ Thác Bà. Đây là điểm nhấn du lịch và cũng được quy hoạch theo định hướng phát triển du lịch của Bộ VH,TT&DL, tiến tới đưa khu hồ Thác Bà trở thành khu du lịch cấp quốc gia. Về phía tỉnh, chúng tôi cũng đã làm quy hoạch tổng thể của khu du lịch hồ Thác Bà, gắn với cả lưu vực dòng sông Chảy, vùng Lục Yên và quốc lộ 70, liên kết với Lào Cai và Côn Minh (Trung Quốc).

Còn về phía tây của tỉnh, chúng tôi tập trung khu du lịch suối Giàng và đặc biệt là điểm danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải.

Để làm tốt khu điểm du lịch, Yên Bái đã có những đề án triển khai, bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc và đây là một trong những sản phẩm nổi trội của Yên Bái. Tuy nhiên, tiềm năng đó chưa được khai thác hợp lý. Để khai thác hợp lý sản phẩm, tiềm năng vốn có, tôi nghĩ sự hợp tác du lịch 8 tỉnh mở rộng sẽ khai thác được tiềm năng, hình thành tour tuyến khép kín của 8 tỉnh nói chung.

Du khách thăm lòng hồ Thác Bà.

Tuy nhiên, qua chuyến khảo sát “Vòng cung Tây bắc mở rộng” có thể thấy tiềm năng rất rõ nhưng hạ tầng và dịch vụ du lịch của Yên Bái còn yếu, thưa ông?

Hiện nay du lịch Yên Bái mới ở giai đoạn đầu phát triển và thời gian gần đây là đầu tư cho hạ tầng và tiếp tục kêu gọi đầu tư và hạ tầng khu vực điểm du lịch đã được quy hoạch. Chúng tôi đã từng bước đầu tư vào khu du lịch trọng điểm như ở hồ Thác Bà như hệ thống hạ tầng: Đường, điện, nước. Hoặc như khu du lịch suối Giàng, Nhà nước đang đầu tư hạ tầng để làm cơ sở mời gọi đầu tư. Nhưng thực tế ở Yên Bái chưa có đơn vị lữ hành có đủ năng lực. Tiếp đến là sự tham gia của cộng đồng. Trên thực tế, ý thức của cộng đồng về vai trò của du lịch còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung trước là vào quy hoạch và tiếp đó là đào tạo về nguồn nhân lực. Chúng tôi lấy đầu tư vào nguồn nhân lực là trọng yếu để từ đó cộng đồng cùng tham gia vào quá trình hình thành sản phẩm du lịch, tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo.

Một điểm nhấn của du lịch Yên Bái là Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải. Vậy ngành du lịch có chương trình cụ thể nào để vai trò của người bản địa tham gia nhiều hơn?

Ruộng bậc thang của Mù Căng Chải bản thân đã là sản phẩm du lịch, nhưng chưa được khai thác hợp lý. Cộng đồng dân cư sở tại cũng đã ý thức được đó là sản phẩm của chính họ, dù là tự nhiên. Họ cũng đã có ý thức để giữ gìn môi trường cảnh quan. Chúng tôi có kế hoạch triển khai các đề án như bảo tồn bản làng nghề truyền thống gắn giá trị văn hóa dân tộc với phát triển du lịch; đặc biệt là khai thác tiềm năng của giá trị danh thắng ruộng bậc thang Mù Căng Chải.

Còn với điểm nhấn là Khu du lịch Thác Bà, Yên Bái sẽ định hướng đầu tư ra sao, thưa ông?

Không gian hồ Thác Bà khá là lớn vì có trên 1.300 hòn đảo, chiều dài 82km, chiều rộng tính bình quân là 10km. Nếu như đầu tư mà không có quy hoạch tổng thể và không có quy hoạch chi tiết thì sẽ đầu tư dàn trải. Hiện Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng tập trung vào khu du lịch Tân Hương, lấy đấy là điểm nhấn lan tỏa đến khu phụ cận; lấy cốt lõi là cộng đồng dân cư sống tại vùng lòng hồ là một sản phẩm du lịch, phối hợp với đầu tư hạ tầng để tạo điểm nhấn. Nhà nước đã đầu tư 20 tỷ đồng tập trung vào hạ tầng đường, điện, nước để mời gọi đầu tư và đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Đây mới là giai đoạn một nên vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới, chúng tôi mời gọi doanh nghiệp đầu tư ở cấp độ quy mô hơn và như vậy cũng phải có quy hoạch, rà soát chặt chẽ hơn để hình thành điểm du lịch hấp dẫn.

Xin cám ơn ông!

Bài và ảnh: Hồng Lĩnh- Quý Ngọc