05:08 20/05/2014

Yên Bái: Người dân còn chủ quan với bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Yên Bái có gần 1.900 ca phơi nhiễm bệnh dại, trong đó đã có 3 người tử vong do bị chó dại cắn. Đáng lưu ý, nếu các năm trước, bệnh dại chỉ xuất hiện ở một số huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn...

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Yên Bái có gần 1.900 ca phơi nhiễm bệnh dại, trong đó đã có 3 người tử vong do bị chó dại cắn. Đáng lưu ý, nếu các năm trước, bệnh dại chỉ xuất hiện ở một số huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn... nhưng nay đã lan ra cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có cả huyện vùng cao Mù Cang Chải - điều mà trước đây không hề có. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có từ 5 – 6 ca mắc mới. Các huyện có số người bị phơi nhiễm nhiều là Văn Chấn (489 trường hợp), Lục Yên (359 trường hợp), Văn Yên (255 trường hợp)...

 

Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết: Tỷ lệ người đi tiêm phòng do nghi bị chó dại cắn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, các đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách vẫn được tỉnh hỗ trợ tiêm phơi nhiễm miễn phí, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan, không đến các cơ sở y tế để tiêm kịp thời. Đặc biệt, sự hiểu biết về bệnh dại của một bộ phận người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên vẫn thờ ơ trong phòng chống bệnh dại.

 

Điển hình là trường hợp của của ông Đặng Văn Chế, 44 tuổi, ở thôn 1, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên. Ông Chế bị chó dại cắn ngày 20/3/2014, đến ngày 19/4/2014 thì ông tử vong do lên cơn dại. Được biết, tại thời điểm ông Chế bị chó dại cắn có nhiều người chứng kiến và ông là người thứ 5 bị con chó này cắn. Nhận được tin, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đến nhà yêu cầu, vận động ông đi tiêm phòng dại. Tuy ông Chế đã đồng ý và ký vào biên bản cam kết sẽ đi tiêm phòng, song ông không đi tiêm mà sang xã Xuân Ái (cùng huyện) để bốc thuốc nam. Hậu quả là ông đã tử vong sau đó.

 

Hai nạn nhân còn lại là ông Sầm Văn Vân, 33 tuổi, ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn. Ông Vân bị chó cắn nhưng không cho gia đình biết, đến khi lên cơn dại, người nhà gặng hỏi, ông mới chịu kể. Gia đình đã đưa ông đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn. Trường hợp còn lại là bà Giàng Thị Dở, 35 tuổi, ở bản Páo Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Trong khi đang làm nương thì bị chó cắn, do không đi tiêm phòng nên đã phát bệnh và tử vong.

 

Ông Đặng Bình Nguyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Yên Bái cho rằng: Khó khăn nhất hiện nay đối với công tác tiêm phòng dại trên đàn chó là đội ngũ thú y viên cơ sở quá mỏng, mỗi xã chỉ có một người. Hơn nữa, người dân trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, còn thói quen thả rông chó, mèo nhưng không rọ mõm nên tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó còn thấp... Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh mới triển khai tiêm được hơn 42 nghìn liều, dự kiến hết năm 2014 là 80 nghìn liều, đạt khoảng 50% tổng đàn chó hiện nay của tỉnh. Như vậy, số chó chưa được tiêm phòng dại là rất lớn, nguy cơ gây ra bệnh dại ở người vẫn còn cao.

 

Ông Nguyên khẳng định: “Vắc xin phòng dại hàng năm không thiếu, chỉ cần các địa phương đăng ký số lượng là Chi cục sẽ đáp ứng đủ. Người dân sẽ không bị phơi nhiễm dại nếu như đàn chó được tiêm phòng triệt để. Chúng tôi rất cần sự hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương, người dân và sự hỗ trợ tốt hơn về nhân lực đối với thú y viên cơ sở…”.

 

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại; cấm vận chuyển chó, mèo vào và ra khỏi địa bàn, góp phần giảm thiểu khả năng lây lan của bệnh. Công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh tiếp tục được tăng cường; thường xuyên duy trì các điểm tiêm phòng và chuẩn bị đủ vacxin để tiêm cho người bị chó cắn; các địa phương vận động, thậm chí phải cưỡng chế người bị chó nghi dại cắn đi tiêm phơi nhiễm và tiếp tục tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn…

 

Trung Kiên