Y tế cơ sở - lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao

"Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng”, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Yên Bái khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Đinh Thùy/TTXVN

Đầu tháng 5/2023, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố “COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”; cũng từ ngày 20/10/2023, tại Việt Nam, COVID-19 đã chính thức thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. 

Đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với công tác phòng, chống lao, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược 5-8 năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. 

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2023).

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lao

“Không nằm ngoài bối cảnh chung trên thế giới, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng”, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
 
Đây là một nguyên nhân  mà Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật Kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh vào năm 2035.

Năm 2022, cả nước phát hiện 103.120 bệnh nhân; chiếm 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện.  

Bước sang năm 2023, nhờ tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị, duy trì bền vững công tác dự phòng lao, công tác phòng, chống lao đã cải thiện đáng kể sau khi phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của Chương trình chống lao. 

Cùng với đó là việc đẩy mạnh phát hiện bệnh lao kết hợp nhiều hình thức, vận động sự cam kết và chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh lý khác...

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Chương trình đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 người, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%. 

Chương trình chống lao cũng chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả. 

Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình chống lao Quốc gia bước đầu đạt được thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.  

Vai trò của mạng lưới y tế cơ sở là quan trọng

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho biết, Việt Nam có số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn, nên việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng. Đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.

Chương trình Chống lao quốc gia đã nỗ lực duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

Hiện nay, 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an; Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); WHO; KNCV (tổ chức quốc tế chuyên sâu về công tác phòng chống lao); CDC Hoa Kỳ…, các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác.

Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng được mở rộng và tăng cường, nhận được cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở triển khai phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.

Chương trình Chống lao đã triển khai phát hiện, chẩn đoán lao trên toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở. Khi người dân đến khám bệnh ban đầu sẽ kèm theo sàng lọc lao. Bên cạnh đó, phát hiện lao kèm theo phát hiện bệnh phổi, cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư phổi…

 Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số bệnh nhân lao được phát hiện do y tế công - tư là 26.300 bệnh nhân (chiếm 33,4%). Như vậy việc phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế cho thấy rõ hiệu quả.

Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia Đinh Văn Lượng cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống, tiến tới kết thúc bệnh lao vào năm 2035, thời gian tới cần duy trì, đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến của Chương trình, lồng ghép trong các hoạt động chung của hệ thống y tế.

"Cần đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh, thành phố đối với hoạt động phòng, chống lao. Trong đó, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa bệnh nhân trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng để cắt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao", Tiến sĩ Đinh Văn Lượng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao. Đồng thời cần tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert), sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuật số và các máy Xquang di động được cấp cho các địa phương để tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao.

Tạ Khánh (TTXVN)
Ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng
Ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN