Vĩnh Long với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân - Bài 1: Đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân

Bảo hiểm y tế được xem là người bạn đồng hành trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đối với những người mắc bệnh nặng, chi phí điều trị cao.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho Hội viên phụ nữ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, qua đó, phát huy tốt sự ưu việt của chính sách này đối với người dân khi đau ốm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 2 bài viết phản ánh những nỗ lực của địa phương nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ bao phủ và phát huy vai trò của bảo hiểm y tế, một trong những trụ cột an sinh xã hội giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bài 1: Đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân

Vĩnh Long hiện có hơn 950.000 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 92,4% dân số. Thời gian qua, bảo hiểm y tế đã phát huy tốt vai trò đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và trở thành người bạn đồng hành của người dân trong quá trình chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Chính sách này dần tạo được lòng tin trong người dân, mở ra cơ hội để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện và lâu dài, giảm gánh nặng chi phí chữa bệnh.

"Phao cứu sinh" cho người bệnh

Với chính sách ngày càng được hoàn thiện, bảo hiểm y tế hướng đến mục tiêu chia sẻ gánh nặng viện phí cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm chữa trị bệnh. Thời gian qua, bảo hiểm y tế đã thể hiện được tính ưu việt, trở thành “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều gia đình có người thân phải điều trị bệnh kéo dài và chi phí lớn.

Tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân mắc chứng bệnh suy thận đang được lọc máu. Hầu hết bệnh nhân đều sử dụng bảo hiểm y tế. Nhờ đó, họ được hỗ trợ thanh toán phần lớn các chi phí điều trị và thuốc.

Cùng chồng đi chạy thận hơn 2 năm, bà Trần Thị Lệ Hoa (xã Long Phước, huyện Long Hồ) hiểu rõ những khó khăn khi phải chống chọi với căn bệnh này. Gác lại công việc, đều đặn hàng tuần, bà đưa chồng đến bệnh viện để chạy thận. Nỗi lo về chi phí điều trị giờ đã nhẹ bớt bởi gia đình bà được hưởng quyền lợi từ chính sách bảo hiểm y tế.

Chú thích ảnh
 Hội viên phụ nữ xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) bốc thăm góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế.

Bà Hoa cho biết, hơn 10 năm qua, chồng bà bị tai biến, phải đi điều trị và tái khám thường xuyên nên tấm thẻ bảo hiểm y tế trở thành người bạn đồng hành rất quan trọng. Những năm gần đây, chồng bà lại mắc bệnh thận, sức khỏe ngày càng yếu đi, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính quyền địa phương đã xét hỗ trợ chồng bà được nhận bảo hiểm y tế thuộc diện đối tượng hưởng bảo trợ xã hội. Nhờ đó, việc điều trị bệnh và chạy thận của chồng bà được thực hiện đều đặn và không phải tốn quá nhiều chi phí.

Bà Thái Ngọc Cẩm (phường 3, thành phố Vĩnh Long) cho biết, trước đây, bà tham gia bảo hiểm y tế để chia sẻ khó khăn với những người không may mắc bệnh và cũng để phòng thân. Khi bản thân bị bệnh, phải điều trị lâu dài, bà mới hiểu hết ý nghĩa và trân trọng giá trị của bảo hiểm y tế. Việc chạy thận diễn ra 3 lần/tuần cùng với chi phí uống thuốc lâu dài là những mối lo khi bà Cẩm biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, khi bước vào điều trị, bà đã yên tâm hơn khi có bảo hiểm y tế và bà đã được chi trả phần lớn chi phí trong hơn 2 năm qua.

Chính sách bảo hiểm y tế cùng nhiều quyền lợi được mở rộng với mức thanh toán từ 80 - 100% chi phí khám, chữa bệnh khi đi đúng tuyến đã tạo thuận lợi cho nhiều bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mỗi ngày có từ 600 - 1.000 lượt bệnh nhân đến khám bằng thẻ bảo hiểm y tế; đa phần là các trường hợp mắc bệnh mãn tính. Nhờ chính sách bảo hiểm y tế, người bệnh có điều kiện khám hàng tháng và được cấp thuốc đầy đủ giúp cải thiện sức khỏe và yên tâm điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cho biết, việc tham gia bảo hiểm y tế không chỉ mang lại quyền lợi được chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mỗi người mà còn cùng chia sẻ với cộng đồng, với những người không may mắc bệnh phải điều trị lâu dài và tốn kém. Có thẻ bảo hiểm y tế, người dân khi mắc bệnh đến cơ sở y tế sẽ được bác sĩ khám, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị kịp thời và đỡ tốn kém. Đặc biệt là đối với người mắc bệnh mãn tính.

Chú thích ảnh
Người dân có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. 

Sẻ chia cùng cộng đồng

Xác định phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch chi tiêu và chăm sóc sức khỏe gia đình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng mô hình. Từ đó, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về hiệu quả của việc tham gia bảo hiểm y tế.

Từ những bỡ ngỡ, không mặn mà tham gia ban đầu, theo thời gian, nhiều hội viên phụ nữ đã nhận thức được sự cần thiết của bảo hiểm y tế đối với bản thân và gia đình; đồng thời cùng sẻ chia với tinh thần “đóng góp khi lành, để dành khi bệnh”. Đến nay, Hội phụ nữ các cấp đã xây dựng hơn 1.500 tổ hùn vốn xoay vòng với hơn 10.000 thành viên tham gia giúp nhau cùng mua thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên và người thân trong gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội còn thực hiện phong trào nuôi heo đất để tặng thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2022, các cấp Hội đã trích hơn 100 triệu đồng giúp 76 hội viên phụ nữ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn mua bảo hiểm y tế.

Đều đặn mỗi tháng, phụ nữ ấp Tích Phú (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) lại có mặt đông đủ để cùng sinh hoạt và tham gia rút thăm xoay vòng để có tiền mua bảo hiểm y tế. Chị Lê Thị Trắng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tích Phú cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn ấp đã có 4 tổ hùn vốn xoay vòng với hơn 80 hội viên tham gia, đóng góp cùng nhau để mua bảo hiểm y tế gia đình. Qua nhiều lần góp vốn, mô hình đã giúp nhiều hội viên có điều kiện mua mới hoặc đáo hạn thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài mua cho bản thân, các hội viên đã chủ động mua cho gia đình và cùng chia sẻ, nhường nhau cơ hội giúp các chị em khác được nhận tiền để mua bảo hiểm y tế.

Là người may mắn được nhận vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế, chị Lê Thị Luyến (xã Tích Thiện) phấn khởi cho biết, tuy rút thăm không trúng nhưng do thấy chị đang cần số tiền này, một hội viên trong tổ đã nhường lại cho chị. Theo chị, bảo hiểm y tế rất cần thiết cho đời sống vì số tiền đóng không lớn nhưng sẽ rất quý giá khi không may mắc bệnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Ôn Nguyễn Thị Thơm, các cấp Hội đã được chỉ đạo tuyên truyền, thành lập các mô hình vận động hội viên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình để góp phần nâng độ bao phủ y tế ở địa phương. Đến nay, trên địa bàn đã thành lập 89 mô hình hùn vốn mua bảo hiểm hộ gia đình với trên 1.000 hội viên tham gia. Các mô hình đã phát huy hiệu quả cao, giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có tiền để mua mới, đáo hạn thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục động viên duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tuyên truyền để chị em hiểu lợi ích, tính nhân văn khi tham gia bảo hiểm y tế. Từ đó, cùng nhau sẻ chia những tấm thẻ bảo hiểm quý giá, giúp chăm sóc sức khỏe gia đình.

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Long Ngô Tuấn Anh cho biết, hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 92,4% dân số. Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế khi thành viên khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trong phạm vi quyền lợi được hưởng là khoảng 80%, còn lại 20% là cá nhân tự đóng. Nếu tham gia đủ 5 năm trở lên và có số tiền đồng chi trả trong năm tài chính vượt 6 tháng lương cơ sở, người bệnh sẽ được tri trả 100% cho lần khám, chữa bệnh sau và được cấp giấy chứng nhận không cùng đồng chi trả trong năm đó. Trên địa bàn hiện có 136 cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm cả y tế tư nhân đủ điều kiện tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vấn đề thông tuyến được áp dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế vừa có thông tư bổ sung 47 loại thuốc mãn tính cấp tại trạm y tế, mở rộng thêm một số loại thuốc nâng hạng bệnh viện, thuốc cho các bệnh nhân: tâm thần, COVID-19, HIV… Điều này khiến người dân tin tưởng hơn và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng. 

Ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh, hướng đến mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là hướng đến việc sẻ chia kịp thời cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, người lao động, những gia đình còn nhiều khó khăn, mang đến những chiếc “phao cứu sinh” kịp thời khi họ đau ốm, bệnh tật.

Bài cuối: Nỗ lực hướng tới mục tiêu 

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước. Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 91,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 12,8 lần so với năm 1995), đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN